Tránh chủ quan cho rằng bão không quá mạnh, vùng này đang hạn hán, thiếu nước mà không chủ động ứng phó với bão, mưa lũ". Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tại Hội nghị ứng phó với bão số 4 (bão Podul) diễn ra chiều 28/8 tại Hà Nội.
Dự báo, khoảng chiều đến tối 30/8 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Bão và hoàn lưu sau bão xảy ra vào khu vực đông dân, kinh tế phát triển dọc dải ven biển, đặc biệt có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú vào đúng dịp nghỉ lễ 2/9. Trước đó, khu vực này đã bị tổn thương và thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Để chủ động ứng phó với bão số 4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung vào những công việc cấp bách. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó đặc biệt chú ý tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào.
Tuyến biển, đảo rà soát, kiểm đếm tàu, thuyền; hướng dẫn tàu, thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển tránh bão hoặc về nơi tránh trú an toàn đối với tất cả các địa phương ven biển; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phương tiện, tàu, thuyền như hướng dẫn neo đậu, tránh trú, kể cả đối với tàu cá, tàu vận tải và du lịch.
Các địa phương ven biển rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, trong đó cần chú ý cả việc kiểm soát hoạt động giao thông trên các tuyến ven biển, cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào; triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây úng ngập, kể cả các đô thị; chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các địa phương miền núi, trung du phải chủ động rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa và các hồ thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra, khắc phục kịp thời các sự cố.
"Căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, chủ động cấm biển và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu, thuyền và các phương tiện hoạt động trên biển theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch, công trình hạ tầng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bám sát, chỉ đạo cụ thể đối với địa phương, với công tác an toàn hồ đập thủy lợi. Bộ Công Thương chỉ đạo đối với hồ đập thủy điện, trong đó cần rút kinh nghiệm từ các sự cố đối với hồ đập thủy điện mới xảy ra tại tỉnh Đắk Nông.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó... Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống, đồng thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 14 giờ ngày 28/8, đơn vị này đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4. Tuy nhiên, tính đến 16 giờ ngày 28/8, vẫn còn 20 tàu với 146 thuyền viên tại tỉnh Quảng Trị chưa liên lạc được.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận có 24 điểm sạt lở và 41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú - Quảng Bình, Hải Dương - Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Mốc - Quảng Trị, Hội An - Quảng Nam, Cửa Đại - Quảng Ngãi, Phước Lộc - Bình Thuận. Hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu, 86 công trình đang thi công dở dang khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có 3 công trình trên tuyến biển là công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình và đê tả Nghèn, đê biển Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trước tình hình của bão số 4, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 12 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh đã ban hành hai Công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 4, ban hành lệnh cấm biển vào 5 giờ ngày 29/8; chủ động mọi phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch di dân khi có yêu cầu.