Tham dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Lộc Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Lộc Ninh là vùng đất phên dậu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, giàu truyền thống cách mạng đã được tạo dựng, bồi đắp bằng trí tuệ, ý chí, sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ. Nhân dân các dân tộc của huyện anh dũng, kiên cường trong chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, không quản ngại hy sinh, gian khổ, đấu tranh chống cường quyền áp bức và ngoại xâm.
Bày tỏ vui mừng khi chứng kiến Lộc Ninh hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ, có một sức sống mới, khí thế mới của một huyện vùng biên giới, Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, huyện tiếp tục giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Huyện khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản đối với sự phát triển; thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch; chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho huyện Lộc Ninh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển của tỉnh, xứng đáng với truyền thống vùng đất anh hùng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn đọc diễn văn ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Lộc Ninh là một chiến trường khốc liệt, có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Đây là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đóng vai trò quan trọng của huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Năm 1972, Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là căn cứ của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, ngày nay, tăng trưởng kinh tế của huyện được duy trì ở mức cao trong nhiều năm liền, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 11,7 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,6 lần so với năm 1991. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng.
Văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 1,75%. Quốc phòng, an ninh và tình hình biên giới ổn định, hoạt động đối ngoại hiệu quả, tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh; trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 xã, thị trấn thuộc huyện là xã và vùng an toàn khu.