Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đang phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên có các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, trong đó chuyến thăm Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu. Trước đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp tháng 9/2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, hợp tác trên các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, kinh tế, thương mại, đầu tư đang có bước phát triển tích cực, trở thành trụ cột trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiện Pháp là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường mỗi nước.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Cộng hòa Pháp Bertrand Lortholary khẳng định, hiện tại nhiều doanh nghiệp Pháp đang rất muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp công nghệ cao… Đại sứ Bertrand Lortholary tin tưởng, trong thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.
Ông Philippe Christodoulou, Phó Chủ tịch Phát triển quốc tế, Công nghiệp lớn của Tập đoàn Air Liquide cho biết, từ năm 1996 đến nay, Tập đoàn đã liên tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam với trên 10 nhà máy trên cả nước, cung cấp khí phụ trợ cho các ngành công nghiệp ô tô, thủy tinh, kim loại, điện tử, thực phẩm, hóa dầu và chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại, Tập đoàn Air Liquide đang đặc biệt quan tâm và mong muốn được tham gia vào Dự án mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như một số dự án năng lượng khác tại Việt Nam. Bằng kinh nghiệm và công nghệ vượt trội, Tập đoàn Air Liquide sẽ hợp tác thành công cùng với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, lọc hóa dầu.
Về đề xuất này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Tập đoàn Air Liquide làm việc cụ thể với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương để có thể đi đến phương án hợp tác cụ thể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là đảm bảo hiệu quả, chất lượng sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường.