Đến chiều 25/12, huyện đã thực hiện sơ tán, di dời hơn 4.000 người dân ra ở khu vực nguy hiểm đến 17 địa điểm trú, tránh bão; 70% nhà ở của dân đã thực hiện chằng chống. Ngoài ra huyện khuyến cáo các hộ dân có kế hoạch bố trí sản xuất, thu hoạch rau màu, thủy sản để giảm bớt thất thoát, thiệt hại do thiên tai.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 16 tại cửa biển Sông Đốc, Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến đầu giờ chiều 25/12, toàn tỉnh đã đưa khoảng 2.000 người dân đến nơi tránh trú bão an toàn. Hiện công tác giúp nhân dân sơ tán vẫn đang được tiếp tục và sẽ hoàn thành trước 17 giờ cùng ngày.
Hiện tỉnh Cà Mau đã có khoảng 3.460 tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Những tàu đánh bắt ngoài khơi không kịp vào bờ đã được tỉnh Cà Mau thông báo và tạo điều kiện tránh trú ở Malaysia, Thái Lan với 137 phương tiện.
Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) Huỳnh Thanh Đảm cho biết, trong ngày 25/12, thị trấn sơ tán khẩn cấp toàn bộ 4.000 người đến nơi an toàn; đồng thời bố trí lực lượng sẵn sàng túc trực ứng cứu nhà dân bị sập trong bão. Bên cạnh đó, thị trấn đã liên kết với doanh nghiệp, trạm y tế để sẵn sàng cung cấp hàng hóa, thuốc men khi người dân cần.
Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau đã được chằng chống. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
Tại xã Tân An (huyện Ngọc Hiển), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phương Nam cho biết, toàn xã hiện đã bố trí 19 điểm để sơ tán người dân vào tránh trú bão. Đặc biệt, địa phương chú trọng nhất là việc vận động, giúp đỡ người dân ở các khu vực ngoài cửa biển, ven rừng khu phòng hộ vào nơi trú ẩn an toàn kịp thời.
Thống kê của ngành chức năng, tại cửa biển Rạch Gốc hiện có khoảng 400 tàu, thuyền vào neo đậu tránh bão.