Đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), đặt câu hỏi về việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng?
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đây mới là đề xuất, nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, tuy nhiên chủ trương này liên quan đến nhiều quy định khác nhau như: luật công chức, viên chức, cần tính đến ảnh hưởng đối với đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn. Hơn nữa, đây mới chỉ ở bước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức.
Một vấn đề khá “nóng” được đại biểu Trần Văn Tiến nêu ra là việc xử lý 12 dự án đầu tư lớn kém hiệu quả, gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém. Ngoài 12 dự án này, có bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành khác cũng đầu tư kém hiệu quả, đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi.
Về vấn đề này Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho hay, các dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ; giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Để xử lý sẽ thành lập ban chỉ đạo do một Phó thủ tướng làm trưởng ban.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo và làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Ngoài 12 dự án trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, còn những dự án khác thua lỗ, kém hiệu quả, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. Phương hướng xử lý cũng như 12 dự án trên là giải quyết theo cơ chế thị trường, không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ. Kiên quyết xử lý cá nhân vi phạm và giải quyết dứt điểm để không còn tồn tại các dự án này.