Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được trong 20 năm thi hành Pháp lệnh Quốc phòng. Nổi bật là việc Bộ Quốc phòng đã giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia và xây dựng bộ đội biên phòng; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Bộ tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh bộ đội biên phòng và văn bản về xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã đề ra các chủ trương, biện pháp huy động tiềm lực xây dựng nền biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.
"Bộ đội Biên phòng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tin tưởng, đánh giá cao. Các đồng chí đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để xây dựng nền biên phòng toàn dân được vững mạnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bộ đội Biên phòng đã dành một phần nguồn lực, vật chất để giúp đỡ đồng bào ở biên giới. Nhiều chiến sỹ Biên phòng đã gắn thêm trách nhiệm làm thầy giáo, thầy thuốc mang ánh sáng văn hóa, giáo dục, y tế về với đồng bào, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc khu vực biên giới, hải đảo", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, sau 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng cho thấy những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa thực sự phát huy hết sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chức năng chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức. Tình hình ma túy, tội phạm, chặt phá rừng ở biên giới còn phức tạp, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Đây là trách nhiệm của địa phương, các cấp, các ngành, trong đó có Bộ đội Biên phòng.
Chỉ rõ đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với cơ hội, thách thức đan xen; tình hình an ninh biên giới, hải đảo tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Quân đội, các lực lượng nòng cốt, chuyên trách cần khắc phục triệt để những tồn tại trong thời gian tới, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồng thời, quán triệt, thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Nhất quán thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đặt trong tổng thể chiến lược bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ biên giới quốc gia; phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối ngoại tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
"Nhận thức xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả nước và hệ thống chính trị. Dựa vào dân, lấy dân làm gốc, quần chúng nhân dân là chủ thể. Mỗi người dân là một cột mốc sống để bảo vệ biên giới", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị.
Báo cáo do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình bày tại Hội nghị cho biết: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng được ban hành năm 1997 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Sau 20 năm thi hành pháp lệnh, Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, tổ chức thực hiện tốt ba chức năng an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Khẳng định vai trò nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chủ trì giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cảng biển; là thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, sẵn sàng chiến đầu và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc...
Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai nhiều chương trình, phong trào, mô hình, sáng kiến giúp dân thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng, điển hình như: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Mái ấm và bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Thầy giáo quân hàm xanh – nâng bước em đến trường”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”…
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế bất cập, như: Một số chủ trương chính sách, pháp luật về biên giới quốc gia và công tác biên phòng còn thiếu, triển khai chưa kịp thời, chưa đáp ứng với sự phát triển của tình hình; hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về biên giới quốc gia ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao.
Việc thực hiện chủ trương kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên một số lĩnh vực, địa bàn và trong từng kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án còn nhiều bất cập.
Nhiều chủ trương quan điểm, chính sách mới về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa một cách kịp thời, đầy đủ, chưa được luật hóa, chưa tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giời quốc gia. Mặt khác, do Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ban hành từ năm 1997, về hình thức, bố cục… không còn phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.