Khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn biến phức tạp Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy: Thời gian qua, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước với diễn biến phức tạp, hoạt động công khai, gây bức xúc trong dư luận.
Trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu ở phía Bắc hay sông Sài Gòn, Đồng Nai ở phía Nam, hàng đêm có hàng nghìn đối tượng sử dụng hàng trăm tàu để khai thác vận chuyển mua bán cát trái phép với số lượng lên đến vài chục nghìn mét khối.
Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến đầu năm 2016, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, làm mất trật tự, an ninh.
Khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bằng đoạn chảy qua địa phận xã Hồng Nam (Hòa An, Cao Bằng). Ảnh: Quân Trang/TTXVN |
Từ năm 2013 đến 2016, tại 22/63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã phát hiện, xử lý hơn 2.705 trường hợp vi phạm, xử phạt ,7 tỷ đồng đáng kể như: Bến Tre (12,2 tỷ đồng), Hải Dương (8 tỷ đồng), Hà Nội (3,4 tỷ đồng); chuyển xử lý hình sự 7 vụ vi phạm (trong đó Bắc Ninh: 1 vụ, Hà Nội: 3 vụ, Vĩnh Phúc: 3 vụ); thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác trái phép.
Đại diện các địa phương tham dự cuộc họp cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương chưa chặt chẽ. Lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn; công tác kiểm tra có nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Các hoạt động khai thác trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm, chủ phương tiện và người quản lý thường xuyên tránh mặt, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động. Nhiều trường hợp, các đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi thanh, kiểm tra...
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương dẫn chứng: Lợi nhuận do khai thác cát quá lớn, tàu khai thác có công suất lớn, nhất là buổi đêm và ngày nghỉ, nếu các lực lượng chức năng chỉ sơ suất một chút, khối lượng cát bị khai thác trái phép có thể lên tới mấy trăm khối. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý còn mỏng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý đường sông và các địa phương đã có tích cực nhưng vẫn còn có những vấn đề cần xiết lại...
Chỉ ra những khó khăn trong việc quản lý nhà nước, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phân tích: Hoạt động của các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép rất tinh vi, chủ yếu hoạt động từ 23 giờ đêm đế 3 giờ sáng, có sự canh chừng rất kỹ.
Các đối tượng cũng rất manh động, khi các lực lượng chức năng phát hiện ra có thể bị nhấn chìm ghe. Do địa bàn rộng nên lực lượng chức năng còn mỏng, việc xử lý khó khăn, chế tài chưa đủ sức răn đe... Việc thanh, kiểm tra chưa hiệu quả, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Các bộ phải vào cuộcĐể khắc phục tình trạng này, các đại biểu đề nghị cần lập quy hoạch đấu thầu khai thác các mỏ cát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển sản xuất. Đối với các đơn vị đang khai thác có giấy phép, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng và sự giám sát của người dân.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công an cần tăng cường sự giám sát, kiểm tra các dự án khai thác, nạo vét cát, vận chuyển cát, sỏi, các hoạt động khai thác khoáng sản; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các địa phương giáp ranh và các bộ, ngành.
Đồng thời, khi có một dự án nạo vét cửa sông, cửa biển, khai thác các mỏ cát... cần công khai để người dân biết. Hiện lực lượng quản lý còn mỏng, vì vậy nếu người dân giám sát sẽ có kết quả tốt hơn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định cát, sỏi là tài nguyên thiên nhiên có hạn, phải tái tạo qua nhiều năm, với tình hình khai thác như hiện nay dần dần sẽ dẫn đến cạn kiệt, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường.
Thực tế có những nơi, hoạt động vi phạm diễn ra công khai, liên tục nhưng không bị xử lý; có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che, bảo kê, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đây là thực trạng cần nhìn nhận đúng - Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý nghiêm những hành vi khai thác cát trái phép.
Phó Thủ tướng lưu ý, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 1) tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các bộ, ngành chức năng đối với công tác này.
Trong đó, Bộ Xây dựng cần dừng việc cấp phép xuất khẩu cát, sỏi lòng sông, không xuất khẩu cát nhiễm mặn, trên cơ sở có đánh giá về công tác này; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các vật liệu thay thế cát, sỏi tự nhiên, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.