"Đối với sinh viên là phải học giỏi, thứ nhì là muốn làm gì phải hiểu biết về nó. Phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… Các cháu phải hiểu đúng vấn đề, sau mới vận dụng, hành xử cho đúng".Đây là lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi đối thoại với 650 sinh viên ưu tú từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự Đại hội đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ IX diễn ra chiều 28/12 tại Hà Nội. Cùng dự cuộc đối thoại có lãnh đạo một số Bộ, ngành: Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với sinh viên Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn |
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, tại diễn đàn quan trọng này, các đại biểu Đại hội mong muốn được bày tỏ suy nghĩ của mình với Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành về trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của sinh viên đề đạt với Đảng và Nhà nước; qua đó tạo động lực cho sinh viên học tập, cống hiến và trưởng thành; tạo những bước phát triển mới cho tổ chức Hội và phong trào sinh viên cả nước.
Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Các đại biểu lần lượt đặt câu hỏi cho lãnh đạo các Bộ, ngành về những vấn đề quan tâm như: vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường, xây dựng kí túc xá cho sinh viên,... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là người nhận được nhiều câu hỏi nhất. Với tinh thần thẳng thắn, gần gũi, cởi mở, nhiều vấn đề quan tâm của các bạn sinh viên đã được Phó Thủ tướng giải đáp cụ thể.
Bảo vệ chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tếTrả lời câu hỏi của sinh viên Đặng Kim (Đại học Nha Trang, Khánh Hòa) về vấn đề sinh viên cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Phó Thủ tướng khẳng định, là công dân Việt Nam thì phải quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước mình. Theo Phó Thủ tướng, bảo vệ bằng nhiều cách, nhiều biện pháp, có thể bằng ngoại giao, bằng kinh tế... nhưng trên hết là dựa trên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng. Bảo vệ chủ quyền trong thời đại văn minh phải dựa trên luật pháp quốc tế. Đối với sinh viên, trước hết cần học tập thật giỏi, góp phần làm đất nước giàu mạnh; tiếp đó cần hiểu đúng và đầy đủ về luật pháp quốc tế về biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... Khi hiểu đúng vấn đề mới vận dụng và hành xử cho đúng và từ đó quyền lợi quốc gia được đảm bảo hơn. "Tháng 9 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Trung ương có biên soạn quyển sách "100 câu hỏi về biển đảo dành cho lớp trẻ", bác sẽ đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm nhất có thể, nếu được trong hôm nay, xin nhà xuất bản đưa bản mềm quyển sách này lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Mỗi cháu ở đây hãy cố học, cố đọc và tuyên truyền cho mọi người. Đây là việc các cháu có thể làm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Một sinh viên Đại học Thái Nguyên đặt câu hỏi về sự chuẩn bị của Chính phủ để sinh viên, thanh niên Việt Nam có những nắm bắt, hành tranh cùng sinh viên các nước khác bước vào cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng cho ASEAN và xa hơn là sẵn sàng cho hội nhập thế giới. Các bạn sinh viên không chỉ sẵn sàng là công dân ASEAN mà còn sẵn sàng là công dân toàn cầu. Vì thế, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức, đặc biệt kiến thức ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các bạn thanh niên cũng nên tham gia các phong trào đoàn thể, phong trào tình nguyện... để từ đó hoàn thiện bản thân.
Hãy làm hết sức mình
Chia sẻ về quá trình phấn đấu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù làm gì ông cũng luôn làm hết sức, bản thân luôn thôi thúc là làm sao xây dựng đất nước giàu mạnh hơn. "Để làm điều đó thì chính chúng ta chung tay xây dựng Việt Nam, bác làm thật tốt nhiệm vụ của bác, các cháu là sinh viên làm thật tốt công việc của mình", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Điều này cũng được ông nhắc lại khi trả lời câu hỏi của sinh viên Cao Xuân Dũng, quê Nghệ An hiện đang học tập tại Hà Nội về thực trạng sinh viên ở tỉnh không quay lại địa phương làm việc sau khi ra trường và si nh viên Việt Nam đi học nước ngoài ít trở về đóng góp cho quê hương. Ông cho biết, đất nước Việt Nam phải được chính người Việt Nam xây dựng, quê Nghệ An tốt nhất phải do những người ngay tại Nghệ An xây dựng trước. "Đó là sự xác định rất đúng, nhưng cũng không nên máy móc. Mục đích chung của chúng ta là xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn. Có rất nhiều biện pháp, có những người học thật giỏi để trở thành tiến sỹ ở một ngành nào đó. Chỉ ở tại các thành phố lớn mới có đủ trang thiết bị hiện đại, có máy móc, có điều kiện thì mới phát huy được. Không thể bắt các bạn ấy về Quỳ Châu, Quỳ Hợp ở Nghệ An các cháu để làm việc được. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng học tập thật tốt, và trong những chuyên ngành chúng ta có thể đi về vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên nước chúng ta còn nghèo nên chúng ta phải cố gắng, bác cháu mình phải thật cố gắng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Thu Phương