Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin cho thấy tính đến hết năm 2016, cơ bản các dịch vụ công cấp độ 1, 2 của các bộ, ngành, địa phương đã được cung cấp lên mạng. Trong đó 19/21 bộ, ngành cung cấp 253 dịch vụ công mức độ 3; 226 dịch vụ công mức độ 4; 60/63 tỉnh, thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên với 6.579 dịch vụ mức độ 3 và 935 dịch vụ mức độ 4. Đã có 60/63 tỉnh, thành phố triển khai dịch vụ công trực tuyến; chỉ còn 3 tỉnh là Hải Dương, Bắc Ninh và Đắk Lắk chưa triển khai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam họp Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Ủy ban nhận định, tình hình an toàn thông tin ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng, nhất là những vụ tấn công vào hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước và một số doanh nghiệp lớn. Cùng với đó là tình trạng lây nhiễm phần mềm độc hại, lừa đảo trực tuyến, lộ lọt thông tin cá nhân… gây thiệt hại về kinh tế.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã báo cáo cụ thể về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như bảo đảm an toàn thông tin của bộ, ngành mình. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các bộ, ngành hiện còn khác nhau tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo, vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành các tiêu chí, quy chuẩn đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin ở từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai nêu quan điểm về sự cần thiết phải ban hành đầy đủ những quy định trong bảo đảm an toàn thông tin quốc gia ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt là những hệ thống thông tin quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp lớn; xây dựng chế độ, chính sách về nguồn lực, nhân lực bảo đảm an toàn thông tin...
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhằm phục vụ người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử.
Đối với những công việc cần triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành có thể triển khai các công việc liên quan đến xây dựng cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho hệ thống hành chính; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; làm rõ những thuận lợi, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tính đến vai trò của công nghệ thông tin.
Bên cạnh việc bàn các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động của xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo an toàn thông tin mạng. Bởi, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về an toàn thông tin.
Về dịch vụ công, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lập danh sách các dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017. Việc triển khai các chương trình liên quan đến công nghệ thông tin cần huy động sự tham gia giám sát của các Hiệp hội về công nghệ thông tin. Liên quan đến Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, khẩn trương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với vấn đề an toàn an ninh thông tin, cần làm rõ quan điểm bảo vệ an toàn thông tin đối với toàn xã hội để mọi người tự biết, tự bảo vệ; xây dựng các quy định quản lý về công nghệ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ người tiêu dùng. Quan trọng nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin không phải công nghệ mà là ý chí, quyết tâm của người đứng đầu... Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đặt vấn đề về sự cần thiết cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về thị trường, thủ tục thành lập quỹ… để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển trong mục tiêu tổng thể đến năm 2020 cả nước có thêm một triệu doanh nghiệp thành lập mới. Nhằm thực hiện việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, trước hết các doanh nghiệp cần có sự kết nối, trong đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có thể ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong một số vấn đề về băng thông, mức phí...