Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những thành tựu tỉnh Thanh Hóa đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, y tế cơ sở có vai trò hết sức quan trọng đối với các hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là cần chú trọng đến công tác phòng bệnh, phòng chống dịch, dân số, sức khỏe sinh sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương... Vì vậy, ngành y tế Thanh Hóa cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho cán bộ y bác sĩ tại đây được học thêm về đông y, tiến tới đông - tây y kết hợp tại y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Trạm y tế xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe người dân, trước hết công tác y tế dự phòng phải thật tốt; phòng bệnh, chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ những việc cụ thể như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập huấn giúp người dân thay đổi hành vi, thói quen không có lợi cho sức khỏe. Tiếp đến là ngày càng nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh cho người dân ở bất kỳ cơ sở y tế nào chứ không nhất thiết phải theo tuyến, vì vậy, cần tăng cường năng lực cho y tế cơ sở địa phương.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động y tế hiện nay tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng cho rằng cần thiết phải có cơ chế để các bác sỹ, điều dưỡng viên giỏi của các bệnh viện công lập sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân với thời gian nhất định hàng ngày, hàng tuần. Những y, bác sỹ này ngoài phần lương được bệnh viện tư nhân chi trả thì bệnh viện công lập nơi cán bộ y tế đó công tác cũng sẽ nhận được phần chi phí tương ứng. Điều đó vừa giúp giải quyết bài toán tài chính cho các bệnh viện công lập vừa giúp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của bệnh viện tư nhân.
Theo Phó Thủ tướng, để có một bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi phải mất rất nhiều năm nên cần coi đây là “tài sản” chung của đất nước chứ không của riêng bệnh viện nào. Bác sĩ, điều dưỡng viên chỉ làm việc một nơi thì công tác đào tạo sẽ bị giới hạn ở đơn vị đó, nên cần cơ chế để cán bộ y tế có thể làm việc thêm ở những cơ sở y tế khác, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn y tế nhiều hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, rất cần khuyến khích y tế tư nhân phát triển, nhất là mô hình phi lợi nhuận, như một “đầu đòn gánh” mà đầu kia là y tế công lập. Từ đó đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của mọi người dân; giảm tải cho các bệnh viện công lập; giảm tình trạng mỗi năm người Việt chi tiêu hàng tỷ USD cho khám chữa bệnh ở nước ngoài…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Trạm Y tế xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy; Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viên Đa khoa Hợp lực, Thanh Hóa...
Báo cáo với Phó Thủ tướng tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2015 của tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đính Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đạt 11,8%, vượt mục tiêu kế hoạch và là mức tăng cao nhất trong 4 năm vừa qua. GDP bình quân đầu người ước đạt 1.520 USD đạt mục tiêu kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong GDP chiếm 17,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 42,1%; dịch vụ chiếm 40,4%. Sản lượng lương thực ước đạt 1,719 triệu tấn, vượt 1,7 % so với kế kế hoạch. Giá trị công nghiệp đạt 33,731 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ chủ yếu đều có bước phát triển khá… Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.032 tỷ đồng, vượt 86% dự toán… Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh được đầu tư xây mới 2 bệnh viện chuyên khoa gồm: Bệnh viện Ung bướu với quy mô 500 giường bệnh và Bệnh viên Chấn thương chỉnh hình với quy mô 300 giường bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 637 trạm y tế xã, phường, thị trấn; còn 4 xã chưa có trạm y tế; 451 trạm y tế có cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn. Tỉnh đề nghị Chính phủ qua tâm xem xét hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương theo Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực ện chính sách, pháp luật, xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.