Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 nhằm tổng kết, đánh giá công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Hội nghị cũng là dịp để thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thống kê bộ, ngành nói riêng cũng như đối với hệ thống thống kê nhà nước nói chung.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị lần này bởi có một ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để tổng kết, đánh giá lại kết quả thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Chiến lược phát triển Thống kê, Nghị định của Chính phủ về tổ chức thống kê bộ, ngành…

Với nhiều nội dung quan trọng như trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, những người làm thống kê tại các đơn vị cần đánh giá một cách khách quan những kết quả đạt được trên các mặt hoạt động cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và đâu là nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập đó.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra, việc thống kê bộ, ngành thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục như: việc sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội. Tổ chức, bộ máy và bố trí người làm thống kê còn chưa được quan tâm đúng mức, một số bộ không có tổ chức thống kê cũng như công chức chuyên trách thống kê…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đến nay, có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê 2015; có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; trong đó 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn. Đến nay, Tổng cục Thống kê đã trực tiếp ký Quy chế phối hợp và chia sẻ thông tin với 8 bộ, ngành. Sự phối hợp, chia sẻ này đã và đang tạo thành mạng lưới thông tin thống kê thông suốt, từng bước bảo đảm tính thống nhất giữa số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu của các bộ, ngành, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng thống kê.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng đã quan tâm, chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và phổ biến thông tin. Hầu hết các bộ, ngành đều có Trang thông tin điện tử; một số bộ, ngành xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cho công tác thống kê tại bộ, ngành ngày càng hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian cập nhật dữ liệu, tiết kiệm nhân lực và chi phí.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác thống kê bộ, ngành thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đã chỉ ra như: xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung theo Luật Thống kê 2015; nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công, thiếu các phân tổ chủ yếu hoặc chưa kịp thời.

Một số bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành Quy chế phổ biến thông tin thống kê và Lịch phổ biến thông tin thống kê thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin. Việc phân tích và dự báo thống kê của bộ, ngành còn yếu, số lượng và chất lượng sản phẩm phân tích, dự báo còn hạn chế. Năng lực và nhân lực làm phân tích và dự báo chưa đáp ứng yêu cầu…

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê còn thiếu đồng bộ, đặc biệt ở địa phương còn nhiều hạn chế. Các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện, gây khó khăn trong khâu thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh thống kê bộ, ngành, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng đã đề xuất các giải pháp như: cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất; khẩn trương thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công; đồng thời, đẩy mạnh việc phân tích và dự báo thống kê, nhất là phân tích vĩ mô, phân tích chuyên sâu, các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phổ biến thông tin thống kê theo hướng đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã ký cơ chế phối hợp từ năm 2016, có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ với Tổng cục Thống kê. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án nâng cao năng lực thống kê và dự báo ngành nông lâm thuỷ sản.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hoạt động này, Bộ có triển khai 2 dự án là dự án công nghệ thông tin phục vụ điều hành ngành nông nghiệp đảm bảo thông tin thống kê được công bố công khai và minh bạch và dự án tổ chức thư viện và hệ dữ liệu điện tử nông nghiệp. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin thống kê điều tra sản lượng thuỷ sản, số lượng tàu cá và chăn nuôi… đưa vào cơ sở dữ liệu điện tử để tổ chức khai thác dữ liệu tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường nhân lực làm thống kê của bộ, ngành và tại các sở, ngành địa phương; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức làm thống kê của bộ, ngành.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, các bộ, ngành cần tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê. Thống kê bộ, ngành phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện việc hài hòa và chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê bảo đảm tính so sánh quốc tế. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Tổng cục Thống kê phải đánh giá ghi nhận từ số liệu thu thập để phân tích, cung cấp, sử dụng ra sao? Còn đối với trách nhiệm của các bộ, ngành trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện Luật Thống kê, Chiến lược phát triển ngành Thống kê, Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về chất lượng thống kê.

“Bên cạnh đó, trong thời gian tới một loạt các đề án sẽ được thực hiện như: Đề án kiểm kê đánh giá các nguồn lực của nền kinh tế; Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; Đề án hội nhập Thống kê Asean; Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát… Vậy, trách nhiệm của các Bộ, ngành sẽ thực hiện công tác thông kê như thế nào?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
Những con số 'biết nói' của ngành thống kê giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế
Những con số 'biết nói' của ngành thống kê giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời của số liệu thống kê. Qua những con số "biết nói" của ngành thống kê, Chính phủ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN