Các chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2019 tiếp tục là năm thành công của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ những xung đột kinh tế, địa - chính trị và dịch bệnh có quy mô toàn cầu.
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phối hợp hài hòa, chặt chẽ, góp phần gia cố thêm sự ổn định, vững chắc của kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp (khoảng 2,76%) so với mục tiêu dưới 4%, là mức lạm phát thấp nhất trong 3 năm qua. Trên nền tảng đó, tăng trưởng kinh tế trên 7%, cao hơn mục tiêu 6,8%. Ngân sách nhà nước tiếp tục có tiến độ thu khả quan và bền vững hơn. Cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và ổn định, quy mô thị trường trái phiếu tăng 12,8% so với năm 2018…
Đặc biệt, công tác điều hành chính sách tiền tệ đạt được những kết quả đáng ghi nhận như tín dụng tăng trưởng phù hợp với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm, đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát; mặt bằng lãi suất giảm, tạo dư địa chống đỡ với các biến động phức tạp từ kinh tế - tài chính toàn cầu; tập trung tín dụng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán; thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp.
Xét về tổng thể, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp cả nước hoàn thành 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội đặt ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các thành viên Hội đồng đánh giá kết quả đó là do sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trên cả nước.
Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát các diễn biến kinh tế, chính trị trong khu vực và trên thế giới để kịp thời có đối sách giảm các tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước. Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy nhanh xây dựng cơ sở pháp lý cho kinh tế chia sẻ, kinh tế số nhằm tận dụng những cơ hội để khơi thông các động lực cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước…
Lo ngại kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái, một số thành viên còn đề nghị Chính phủ nới lỏng trong kiểm soát chính sách tiền tệ, tài chính để tranh thủ thời cơ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Bên cạnh đó, năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông thị trường vốn để giảm thiểu các rủi ro tín dụng...
Đồng tình với đánh giá của các thành viên Hội đồng ở các mặt tích cực, tiêu cực của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh, kết quả tích cực của năm 2019 không phải chỉ đến từ các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế những năm gần đây mà còn bắt nguồn từ thành quả của 30 năm Đổi mới.
Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020 mà Quốc hội giao, trong đó GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát CPI kiểm soát dưới 4%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Hội đồng sẽ đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có 3 trọng tâm: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, đặc biệt cần là năm “cơ cấu lại ý thức công vụ” trong phối hợp công tác và phục vụ doanh nghiệp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ nhằm đạt mục tiêu Quốc hội giao; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ.