Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khởi nghiệp luôn gắn với đổi mới và sáng tạo, tăng năng suất lao động, ý tưởng kinh doanh gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, khởi nghiệp không chỉ là việc thành lập doanh nghiệp mới, mà còn là làm mới những doanh nghiệp đang hoạt động.
Đánh giá cao phụ nữ làm doanh nghiệp bởi họ luôn giữ được sự ổn định trong kinh doanh và tạo nền tảng cho phát triển bình đẳng giới, Phó Thủ tướng cho biết, trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, có tới hơn 100.000 doanh nghiệp do nữ làm lãnh đạo đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế của quốc gia. Với 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ đã tạo việc làm cho hơn 1,63 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước 32,4 nghìn tỷ đồng năm 2013, chiếm 3,9% ngân sách nhà nước. “Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức tập trung hỗ trợ trong khả năng của mình và phối hợp với các ngành khác để hỗ trợ các nữ doanh nhân trong phát triển doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Một trong giải pháp đó là phát triển mạnh tổ chức tài chính vi mô mà trong thời gian qua Trung ương Hội đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Để tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, Chính phủ đang trình Quốc hội Dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng chương trình hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp siêu nhỏ, có nhu cầu tiếp cận vốn, tín dụng nhưng lại khó tiếp cận nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể có đăng ký chuyển lên thành doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nhiều biện pháp hỗ trợ ý tưởng kinh doanh, nhà khoa học nữ phát triển khoa học công nghệ đồng thời khuyến khích lồng ghép các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, kinh tế nông nghiệp với hoạt động của Hội Phụ nữ vì điều đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn quyết định đến vấn đề bình đẳng giới thực chất. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh được thực hiện tại cấp Trung ương và địa phương trong khuôn khổ khung thỏa thuận 5 năm (2016-2020). Các hoạt động hợp tác sẽ thúc đẩy diễn đàn giữa các bộ, ngành và doanh nhân nữ, phụ nữ mong muốn khởi nghiệp, giúp họ có cơ hội trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cơ chế, chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy bình đẳng giới với nguồn lực tri thức, thông tin thị trường, doanh nghiệp…
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lao động nữ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn nhiều bất cập và thiếu những hướng dẫn cần thiết. Sự tham gia của phụ nữ vào quản lý doanh nghiệp còn khá khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng của họ. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,8% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn là lĩnh vực dịch vụ. Diễn đàn đã thảo luận, làm rõ vai trò của việc tăng quyền năng kinh tế phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới. Đó chính là việc tạo ra những cơ hội như nhau cho nam và nữ trong việc tiếp cận cơ hội và các nguồn lực. Thay đổi sự phân công lao động, nữ giới nắm quyền chủ động kinh doanh nhiều hơn, nam giới chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm gia đình, sẽ giúp cho vai trò của phụ nữ trong xã hội được nâng cao.