Hội nghị do UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, đại diện các tỉnh của Nhật Bản kết nghĩa với Nghệ An; các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản; các nhà đầu tư Nhật Bản trong nước và từ Nhật Bản sang.
Về phía Việt Nam có đồng chí Tô Huy Rứa, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An …
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Trong nhiều thập kỷ qua, Nghệ An luôn là một trong những đối tác được Nhật Bản dành nhiều vốn vay ưu đãi. Tổng số các chương trình, dự án do Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An đến nay là 44 dự án, với tổng số vốn gần 5,1 nghìn tỷ đồng.
Về đầu tư FDI, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án đầu tư Nhật Bản, với tổng số vốn là 72,19 triệu USD trong các lĩnh vực khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc…
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục coi thu hút vốn đầu tư FDI, vận động nguồn vốn ODA, hợp tác du lịch, lao động - đào tạo nghề là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại hội nghị, Nghệ An kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế…
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhớ đến người đầu tiên nối nhịp cầu ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản là chí sỹ Phan Bội Châu, người con của quê hương Nghệ An, người khởi xướng phong trào Đông Du và được xem là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa cụ Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản đã điểm tô thêm nét đẹp của chủ nghĩa yêu nước, giá trị nhân văn trong sáng và tình yêu thương nhân loại cao cả. Đó cũng là điểm nhấn rất đặc biệt, tạo tiền đề và niềm cảm hứng mạnh mẽ cho sự phát triển, vươn lên tầm cao mới của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Nghệ An với các đối tác của Nhật Bản nói riêng.
Từ mong muốn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thời gian tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ, đầu tư vào Nghệ An ở hai lĩnh vực trọng điểm là phát triển du lịch và giáo dục - đào tạo. Ngài Đại sứ cũng hy vọng Nghệ An tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hai bên cùng hợp tác phát triển.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Hội nghị là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, kết nối và cùng tìm ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa giữa Nghệ An với chính quyền, đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản. Qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á của 2 nước.
Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trong mọi lĩnh vực và đang lan tỏa mạnh mẽ từ cấp Trung ương tới các địa phương hai nước. Điều đó đã khẳng định các cấp chính quyền của Việt Nam, nhất là các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có Nghệ An luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản tăng cường mở rộng, nâng cao chất lượng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hy vọng thông qua Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: hợp tác và phát triển”, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về tỉnh Nghệ An để thúc đẩy mạnh mẽ, tạo làn sóng đầu tư, kinh doanh mới. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác và xây dựng chiến lược phát triển đầu tư kinh doanh lâu dài tại vùng đất này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Nghệ An cần nỗ lực hết mình để đổi mới từ nhận thức, tư tưởng, chính sách đến hành động. Trước hết, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản từ đối ngoại đến thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch… Đặc biệt tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi hóa, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút nguồn lực, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu…
Về phía các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường kết nối nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của các đối tác, nhà đầu tư Nhật Bản; đồng thời đổi mới nội dung, hình thức giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương mình.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Hội nghị Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản nên tổ chức 2 năm một lần để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai bên, thúc đẩy quan hệ ngoại giao ngày càng phát triển.
Phó Thủ tướng cũng tin rằng với sự đồng hành của Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền tỉnh Nghệ An và các đối tác đến từ Nhật Bản, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hợp tác Nghệ An - Nhật Bản nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng; sự kết nối giữa 2 đất nước, 2 dân tộc, 2 nền kinh tế và hợp tác liên kết vùng giữa hai bên, tiêu biểu là quan hệ hợp tác Nghệ An - Nhật Bản sẽ ngày càng chặt chẽ, mở ra một thời kỳ phát triển mới tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa hai nước.