Phối hợp triển khai hiệu quả hệ thống pháp luật về tài nguyên nước

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 4003/BTNMT-TNN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Chú thích ảnh
Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh (Phú Yên). Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành đến các cơ quan trực thuộc, các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 8 Điều 50 Luật Tài nguyên nước 2023).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cung cấp thông tin, xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Chỉ đạo việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong hệ thống công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi (điểm b khoản 2 Điều 36 Luật Tài nguyên nước).

Về việc đăng kí hoặc cấp phép tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc các chủ quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Đối với các công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 1/1/2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 chậm nhất là ngày 30/6/2027 (khoản 6 Điều 86 Luật Tài nguyên nước).

Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước (Thông tư số 03/2024/TTBTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, ngày 1/7/2024.

Hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bãi bỏ quy định về điều kiện năng lực đối với đơn vị tư vấn lập đề án, báo cáo tài nguyên nước thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư. Do đó, chủ quản lý, vận hành công trình thủy lợi có thể tự lập đề án khai thác tài nguyên nước theo quy định của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP.

Đối với việc vận hành công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát và phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu, thực hiện việc quan trắc tự động, liên tục để giám sát trực tuyến các thông số theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP trước ngày 01/7/2027 đối với công trình xây dựng trước ngày 01/01/2013 và hoàn thành trước ngày 31/12/2025 đối với công trình xây dựng từ ngày 1/1/2013 đến trước ngày 1/7/2024.

Trong thời gian chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu để thực hiện việc giám sát trực tuyến thì đề nghị tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc cập nhật số liệu giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều 90 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Luật Tài nguyên nước 2023: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước 2023: Bước tiến mới trong bảo vệ tài nguyên nước

Ngày 1/7/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN