Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam: Cần các biện pháp mạnh hơn

Thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh tật, tử vong hàng đầu ở Việt Nam, đồng thời là nguyên nhân góp phần gia tăng đói nghèo, lấy đi nguồn lực đáng kể của Nhà nước và nhân dân trong việc giải quyết các hậu quả do thuốc lá gây ra.

Ngay từ năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ - CP phê duyệt chính sách quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá 2000 - 2010. Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi, tỷ lệ người hút thuốc vẫn ở mức cao, số người bệnh mắc và tử vong do liên quan đến thuốc lá vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

10 năm, chỉ giảm 9% số nam giới hút thuốc

“Mục tiêu của Nghị quyết 12 đề ra là “Giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá từ 50% năm 2000 xuống còn 20% vào năm 2010. Nhưng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc chỉ giảm khoảng 9% (tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành theo điều tra năm 2010 là 47,4%)”, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.

Đã có quy định cấm và chế tài xử phạt nhưng nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá tại nơi công cộng mà không bị nhắc nhở, xử phạt (ảnh chụp tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội ngày 26/5, trong Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá 25-31/5/2011). Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Theo nhìn nhận của một số nhà hoạch định chính sách, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 12, đến nay việc thực hiện môi trường không khói thuốc có phần nào cải thiện hơn so với trước đây. Nhưng thực tế, theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Y tế, ĐH Y Hà Nội, Tổng cục Thống kê, CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong số những người trưởng thành không hút thuốc lá, có tới 67% người bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá ở nhà và 49% tại nơi làm việc.

Do thiếu cán bộ thanh tra, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều người hút thuốc lá vẫn ngang nhiên hút thuốc tại bệnh viện, trường học, nơi công cộng có mái che... “Những người thầy thuốc đang hàng ngày phải đối mặt với những người bệnh trọng, thậm chí tử vong do liên quan đến thuốc lá. Do đó, hơn ai hết chúng tôi mong muốn có những chế tài đủ sức răn đe tương tự như mọi người phải tuân thủ quy định cấm đốt pháo, phải đội mũ bảo hiểm. Đáng tiếc là việc xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá ở những nơi có quy định cấm hiện còn rất nhiều khó khăn...”, TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Cảnh báo tác hại quá mờ nhạt

Nghiên cứu mới nhất được công bố cho thấy thành phần các chất độc hại có trong khói thuốc lên tới 7.000 chất, trong đó có ít nhất 70 chất gây ung thư. Nhiều quốc gia đã thực hiện in cảnh báo tác hại thuốc lá bằng hình ảnh ngay trên vỏ bao vì nhiều nghiên cứu chứng minh đây là biện pháp thông tin về tác hại thuốc lá hiệu quả và kinh tế nhất.

Nhưng tại Việt Nam, hiện mới chỉ in thông tin cảnh báo tác hại thuốc lá bằng chữ rất khiêm tốn và chỉ chiếm 30% diện tích chính của bao thuốc. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, để cảnh báo sức khỏe thực sự có hiệu quả trong việc làm giảm sử dụng thuốc lá thì các cảnh báo cần được thiết kế có cả hình ảnh và chữ, kích cỡ nên chiếm 50% diện tích của bao thuốc.

Thực ra, năm 2007, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia và thăm dò dư luận để ban hành quyết định về An toàn vệ sinh thuốc lá, trong đó đưa ra 5 mẫu cảnh báo bằng hình ảnh và chữ, dự kiến xem xét việc thực hiện vào năm 2010. Đây cũng là hình ảnh cảnh báo được thiết kế có diện tích chiếm 50% các mặt chính của bao thuốc.

Tuy nhiên, ngày 18/7/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2007/NĐ - CP, trong đó quy định từ 1/4/2008, vỏ bao thuốc lá phải in một trong hai cảnh báo sức khỏe: “Hút thuốc lá gây ung thư phổi” hoặc “Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”, chiếm 30% diện tích vỏ bao, chữ đen trên nền trắng. Vì vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện in thông tin tác hại thuốc lá bằng hình ảnh.

“In cảnh báo bằng cả chữ và hình ảnh trên bao bì các sản phẩm thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ hút thuốc, có tác động tốt với cả người biết chữ và không biết chữ. Chúng tôi nhiều lần đề nghị đưa cảnh báo bằng hình ảnh trên bao thuốc... Nhưng một mình ngành y tế thì không thể quyết định được việc này”, TS Khuê nói.

Giá và thuế thuốc lá quá thấp

Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới: “Tăng thuế thuốc lá làm giảm tiêu thụ thuốc lá và đặc biệt làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên”; cụ thể, “để kiềm chế một cách có hiệu quả việc sử dụng thuốc lá, thuế thuốc lá cần phải chiếm từ 66 - 85% giá bán lẻ". Ước tính, việc tăng thuế để làm giá thuốc lá tăng thêm 10% sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc từ 4 - 8%. Tăng thuế lên 10% sẽ giúp tăng số thu thuế của Chính phủ khoảng 7%.

Trên vỏ bao thuốc ghi rõ "Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi ", nhưng liệu có mấy ai sợ? Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh, mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 45% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mà Ngân hàng Thế giới khuyến cáo. Tại Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là tỷ lệ người hút thuốc lá vào hàng cao nhất thế giới nhưng giá thuốc lá lại vào hàng rẻ nhất. Tính trung bình số tiền bỏ ra mua một bao thuốc lá 20 điếu tại Việt Nam rất thấp, chỉ 5.500 đồng (khoảng 0,29 đô la Mỹ). Hơn nữa, giá thực của các sản phẩm thuốc lá (giá sau khi trừ đi yếu tố lạm phát) ở Việt Nam hầu như không đổi trong hơn 10 năm qua trong khi thu nhập bình quân theo đầu người tăng nhanh. Đây là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt trong thanh thiếu niên, người có thu nhập thấp và trung bình.

Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến tồn tại nêu trên, TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Khung pháp lý cho phòng, chống tác hại thuốc lá khá đầy đủ nhưng tản mát ở nhiều văn bản dưới luật. Các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Tổ chức Y tế thế giới, nên các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá thường không mang tính ổn định, lâu dài”.

Điều đáng nói là, sản xuất kinh doanh thuốc lá vẫn được coi là ngành đem lại lợi nhuận cao. Vì vậy, có một số luận điểm cho rằng nếu kiểm soát thuốc lá thì sẽ làm giảm doanh số tiêu thụ, từ đó làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nhưng nếu tính toán đầy đủ thì những thiệt hại do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra lớn hơn rất nhiều. Ước tính mỗi năm, người dân chi khoảng 14.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Số tiền để chi cho khám và điều trị cho 3/25 bệnh do thuốc lá gây ra là khoảng 2.300 tỷ đồng/năm...

“Ngoài ra, các chiêu thức của ngành công nghiệp thuốc lá rất tinh vi. Ví dụ họ có thể sử dụng nhiều chiêu bài vận động làm chậm việc thực thi chính sách tăng thuế hay in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh”, TS Khuê cho hay.

Rõ ràng, đã đến lúc Việt Nam cần phải có một văn bản pháp lý đủ mạnh là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó đảm bảo duy trì giá thuốc lá cao, quy định rõ về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, cấm các hình thức quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, quản lý chặt việc bán lẻ thuốc lá... Tất cả nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cả thế hệ tương lai.

Phương Liên thực hiện

Sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Việc ban hành một luật phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giải quyết được các bất cập nêu trên, tạo một khung pháp lý chặt chẽ cho việc thực thi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật này vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN