Việc ban hành một luật phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giải quyết được các bất cập nêu trên, tạo một khung pháp lý chặt chẽ cho việc thực thi các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật này vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý...
Sau 5 năm triển khai xây dựng, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đang được lấy ý kiến các ban, ngành với 5 chương và 27 điều, quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ “xiết chặt” khâu kinh doanh thuốc lá với điểm mới là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Những người này có trách nhiệm: Hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa điểm mình quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra vi phạm về phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa điểm mình quản lý.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải nộp phí nâng cao sức khỏe cộng đồng (tính bằng 1% giá xuất xưởng hoặc giá nhập khẩu đối với mỗi bao, hộp hoặc gói thuốc lá). Người chịu trách nhiệm tại các điểm bán lẻ thuốc phải treo cảnh báo sức khỏe, thông báo không bán thuốc cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ trong thời gian mang thai, không được trưng bày quá 1 bao, hoặc 1 tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá và không được trưng bày thuốc lá lậu. Đặc biệt, theo lộ trình ghi nhãn thuốc lá quy định trong Dự thảo luật, việc in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh đảm bảo rõ ràng, dễ nhìn, được thay đổi định kỳ theo lộ trình đến 1/1/2013; cảnh báo sức khỏe, phải chiếm ít nhất 40% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả bao bì thuốc lá và đến 1/1/2016 thì cảnh báo này phải chiếm ít nhất 50% diện tích bao bì thuốc lá.
Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để kịp trình Quốc hội vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, việc xây dựng luật phải dựa trên các bằng chứng khoa học đã được tiến hành trên thế giới và trong nước về mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, các chính sách và biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, tránh những lập luận sai lầm do các công ty thuốc lá đưa ra nhằm làm yếu đi các nỗ lực hạn chế sử dụng thuốc lá. |
“Tuy nhiên, luật cần quy định cấm hút thuốc tại tất cả các địa điểm công cộng trong nhà và nơi làm việc trong nhà. Các khái niệm về “nơi làm việc”, “nơi công cộng” và “trong nhà” cần được định nghĩa rõ ràng hơn. Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ mọi người khỏi tác hại của khói thuốc thụ động một cách hiệu quả”, ThS. Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam, khẳng định.
Hoạt động in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh cần được thay đổi theo định kỳ 2 năm/lần theo mẫu hướng dẫn của Bộ Y tế. Không nên ghi hàm lượng của chất tar và nicotine trên bao bì vì các thông tin này thường không chính xác và gây hiểu lầm cho cộng đồng là với hàm lượng nhỏ sẽ không có tác hại cho sức khỏe trong khi thực tế không phải vậy.
Theo các chuyên gia y tế, việc quy định tại khoản 6 điều 7 “nghiêm cấm hành vi sử dụng thuốc lá trong thời gian mang thai” là không khả thi. Bởi lẽ, nếu người có hành vi vi phạm quy định này thì cũng không thể xử phạt được họ, hơn nữa đối với thai nhỏ thì khó phát hiện được bằng mắt thường, do đó khó xử phạt người bán thuốc lá. Điều quan trọng là cần phải tăng cường công tác thông tin giáo dục, truyền thông để họ nhận thấy tác hại của thuốc lá mà họ tự giác không hút thuốc lá. Đồng thời, cần cấm các hoạt động khuyến khích hút thuốc lá, đặc biệt đối với các hoạt động hướng về trẻ em và phụ nữ.
Phương Liên thực hiện