Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng, Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong ngành Kiểm toán Nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí.
Với phương châm thông qua kết quả kiểm toán và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm đối với việc sai phạm trong quản lý và sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về hoạt động điều hành và quản lý ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn trường hợp chưa thực hiện đúng, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong các yếu tố tác động tới việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng thì yếu tố pháp lý đóng một vị trí hết sức quan trọng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hoạt động sử dụng nhiều công cụ khác nhau, nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì không thể có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng.
Nhấn mạnh hoạt động kiểm toán mang tính nhạy cảm, Kiểm toán viên thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cần phải được coi trọng hàng đầu, theo Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên và đối phó với hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần hoàn thiện và áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức cho Kiểm toán viên; đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà quản lý, các nhà khoa học tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề lý luận về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, các chủ trương, giải pháp, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng như việc thi hành các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua.
Các đại biểu, nhà quản lý, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về các nội dung: Những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán Nhà nước; pháp luật về Kiểm toán Nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam; tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; những quan điểm, định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng; xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.