Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng số vụ xâm hại nhưng nguyên nhân đầu tiên vẫn là do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc khiến các em dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lợi dụng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu kiến thức, hiểu biết để tự bảo vệ mình. Mặt khác, các văn hóa phẩm đồi trụy được phát tán tràn lan trên mạng Internet đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm, sinh lý, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một số người...
Bà Đỗ Thị Vân (Tổ 16, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái) cho rằng, hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trẻ em được sử dụng điện thoại thông minh từ sớm nên có nhiều đối tượng lợi dụng điều này để quen các cháu qua mạng xã hội như Facebook, Zalo với mục đích xấu. Vì vậy, các gia đình cần thường xuyên quan tâm và quản lý con cái chặt chẽ hơn.
Nhằm phòng ngừa, hạn chế những vụ xâm hại trẻ em, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 cũng như các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là kiến thức về phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em. Tỉnh tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em...
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái), các vụ xâm hại trẻ em xảy ra từ thành thị đến nông thôn, ở những gia đình mà cha mẹ ít quan tâm đến con cái. Có những trẻ bị xâm hại nhiều lần trong thời gian dài nhưng cha mẹ và gia đình không biết. Đối tượng phạm tội thường có quan hệ quen biết, họ hàng, thậm chí là bố đẻ. Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người thân là rất quan trọng.
Nhằm tránh xảy ra những vụ việc đau lòng, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý của trẻ. Gia đình cần trang bị cho trẻ biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi xâm hại trẻ em...
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, tính đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 234.145 trẻ em dưới 16 tuổi. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Yên Bái có 136 trẻ em bị xâm hại, trong đó, có 2 trẻ em bị giết, 49 trẻ em bị giao cấu, 34 trẻ em bị hiếp dâm, 28 trẻ em bị mua bán, còn lại là trẻ em bị dâm ô và cố ý gây thương tích. Hầu hết các vụ xâm hại trẻ em là do người quen gây ra. Cơ quan chức năng đã xử lý 131 vụ với 152 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, cho biết: Mặc dù tỉnh đã triển khai sâu rộng nhiều biện pháp nhưng các vụ xâm hại trẻ em vẫn xảy ra. Yên Bái là tỉnh miền núi Tây Bắc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57%, chủ yếu ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Nhiều trẻ không nhận thức được mình đã bị xâm hại, thậm chí khi người thân phát hiện vụ việc cũng không tố cáo vì sợ ảnh hưởng tới danh dự của gia đình, nên tự hòa giải mà không báo lên cơ quan công an, tiềm ẩn nguy cơ tái diễn hành vi phạm tội. Ngoài ra, ở khu vực nông thôn vì điều kiện kinh tế khó khăn nên bố mẹ còn bận đi làm, không có thời gian chăm sóc, trông coi con cái nên nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ…
Thời gian tới, dự báo tình hình xâm hại trẻ em có thể sẽ có diễn biến mới, phức tạp, tinh vi hơn nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các hình thức, quy chế quản lý, phương thức sử dụng nguồn vận động xã hội theo Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn để địa phương có căn cứ thực hiện.
Ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái cần phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục cho người dân về Luật trẻ em; tập trung công tác tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với nhiều hình thức như phát trên hệ thống loa truyền thanh, truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn ngay tại các thôn, bản để nhân dân được tiếp cận, thực hiện. Ngành chức năng cần đẩy mạnh việc kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã, chỉ định nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để giúp chính quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em…