Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/4, các đại biểu nhất trí với mở mở rộng các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập theo hướng: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác thì bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập để phục vụ công tác cán bộ (khoản 1 Điều 44).
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đề nghị cần bổ sung thêm những trường hợp phong, thăng quân hàm cấp tướng vào diện xác minh tài sản, thu nhập bắt buộc, tương tự như khi bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. “Nếu không đưa trường hợp này vào thì cũng cần lý giải”, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, bên cạnh các đối tượng phải xác minh tài sản thu nhập khi bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thì cũng cần nghiên cứu thêm đối với trường hợp phong, thăng quân hàm cấp tướng. Tuy nhiên, vấn đề này cần được bàn thảo kỹ lưỡng.
Về xác minh tài sản, thu nhập để phục vụ cho phát hiện tham nhũng, ông Hà Ngọc Chiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi, vì hiện nay thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện, việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ dựa trên bản kê khai của cá nhân, mà bản kê khai này thì chỉ kê khai tài sản của vợ chồng và con cái chưa thành niên, nên thường kê tài sản hợp pháp, giải trình được. Trong khi đó, với những vụ án thời gian qua thì tài sản tham nhũng “lẩn” trong những mối quan hệ khác như: Họ hàng bà con, bạn bè thân thích hoặc đối tác.
Theo ông Hà Ngọc Chiến, nếu căn cứ vào bản kê khai thì khó phát hiện được tài sản bất minh, khó phát hiện được tham nhũng. Vì vậy, đề nghị cần thiết kế thêm các điều luật về biện pháp xác minh tài sản cho hiệu quả.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đề xuất chỉnh lý quy định về phương thức kê khai tài sản, thu nhập theo hướng: Người đang giữ chức vụ hoặc có vị trí công tác mà thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều phải thực hiện việc kê khai lần đầu theo quy định của Luật này, nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực, phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức, một số viên chức hoặc ở vị trí công tác khác khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước đều phải kê khai. Hình thức kê khai này đang được thực hiện trong quá trình hình thành hồ sơ quản lý cán bộ. Những năm công tác tiếp theo, họ sẽ không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm nếu không có căn cứ phát sinh.
Việc kê khai hằng năm chỉ áp dụng đối với những người hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên (tương đương giám đốc sở) hoặc người được hưởng phụ cấp chức vụ dưới 0,9 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
“Kê khai bổ sung áp dụng đối với người có biến động tăng về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Mức này tương ứng với mức kiểm soát giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chống rửa tiền”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Việc xác minh tài sản, thu nhập, tiếp thu ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉnh lý quy định tại Mục 4 Chương III dự thảo Luật theo hướng xác minh bắt buộc để phục vụ cho việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ và xác minh nhằm phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm: xác minh khi có căn cứ (như kê khai không trung thực, biến động tài sản, thu nhập..); xác minh chủ động theo kế hoạch (được xây dựng theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng xác minh).