Trong 5 năm qua (2016 - 2020) các phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung và hình thức thi đua ngày càng đổi mới phong phú và đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động và chỉ đạo triển khai 4 phong trào thi đua trọng tâm trên cả nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Các phong trào này đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai xuống tận cơ sở, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” có ý nghĩa hết sức quan trọng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện... Nhiều chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, phát triển đạt con số kỷ lục, như chỉ tiêu về sản lượng lương thực; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản, hàng hóa; tỷ lệ độ che phủ rừng... Đặc biệt, thu nhập bình quân của người nông dân tăng cao; bộ mặt nông thôn được đổi mới, khang trang; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều...
Đến 6/2020, cả nước có 5.177 xã (chiếm 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã (4,2%) so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Với các giải pháp tổng thể và được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính toàn diện và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phong trào thi đua“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã đi vào thiết thực bằng nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các bộ, ban, ngành và địa phương thể hiện tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai thuế điện tử, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập mới doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, quảng bá xúc tiến thương mại, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.
Trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn và thách thức, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được triển khai trên khắp các vùng, miền, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác của cấp ủy Đảng, chính quyền khi thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sự đồng thuận trong xã hội, tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, tạo được chuyển biến thiết thực đối với đời sống người nghèo. Đặc biệt, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo; thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức; vận động hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Trong đó, có sự tham gia sâu rộng, sôi nổi và trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng với các hình thức khác nhau, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; nhiều xã, thôn đã bứt phá, chuyển mình, vươn lên trở thành những xã, thôn nông thôn mới trù phú, khang trang.
Sau hơn một năm kể từ ngày được phát động, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã đạt kết quả tích cực, tạo những chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phong cách giao tiếp, ứng xử, thái độ hợp tác, tương trợ đồng nghiệp trong công việc; tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp có những tiến bộ rõ rệt. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, năng lực; rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức ngày càng tốt hơn.
Song hành với các phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến của các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên được chú trọng và chuyển biến rõ nét. Trong đó nổi bật là công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
TTXVN cung cấp thông tin một cách có hệ thống và toàn diện về phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến, các hoạt động của Đại hội cho công chúng và báo chí trong và ngoài nước; thông tin bằng tiếng nước ngoài, cung cấp tới người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, góp phần khơi dậy và bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, thôi thúc người Việt Nam sinh sống ở trong và ngoài nước nỗ lực đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TTXVN đã đẩy mạnh tuyên truyền về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, sự kiện lớn để ghi nhận, tôn vinh các điển hình, từ đó nâng cao hơn nữa tinh thần thi đua yêu nước, nhân rộng, phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.