Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 6/6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Trần Văn Huynh phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Báo cáo do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày nêu rõ: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này có 6 Chương, 46 điều (bổ sung 6 điều mới; bỏ 6 điều; tiếp thu, chỉnh lý tại 40 điều).
Các đại biểu cơ bản tán thành dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và tập trung cho ý kiến về một số vấn đề: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và tên gọi; nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai; nguồn nhân lực, tài chính trong hoạt động phòng, chống thiên tai; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt…
* Đồng tình cao tên Luật Phòng, chống thiên tai Đa số đại biểu thống nhất lấy tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như đề nghị trong Báo cáo thẩm tra và Tờ trình vì tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai, thể hiện thái độ chủ động trong phòng, chống thiên tai.
Các đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng), Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận)… khẳng định: Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống bao gồm các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ rủi ro. Tên gọi này phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật. Hơn nữa, khái niệm “phòng, chống thiên tai” là khái niệm đã quen dùng trong đời sống và thể hiện trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Theo đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), tên gọi Luật phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai vừa dài vừa thể hiện tính bị động khi thiên tai xảy ra đồng thời không thể hiện truyền thống tốt đẹp và sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân ta trong phòng, chống thiên tai. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác cho rằng, ở đây, trong “phòng” đã có “tránh”, trong “chống” đã có giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, các đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang), Bùi Thị An (Hà Nội), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề nghị giữ nguyên tên Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII bởi tên gọi này thể hiện đúng bản chất các quan hệ xã hội mà dự án Luật cần điều chỉnh; phù hợp với quan điểm tiếp cận của quốc tế và các nước trong khu vực về phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai. Mặt khác, không thể chống được thiên tai mà chỉ nhằm mục đích phòng, tránh, giảm nhẹ là chính.
* Minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai Liên quan đến vấn đề tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến nhất trí đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư phát triển và đề nghị quy định rõ về nguồn tài chính hàng năm cho phòng, chống thiên tai, việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động này từ Trung ương đến địa phương. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong phòng, chống thiên tai vì chỉ có ngân sách nhà nước mới có đủ tiềm lực để đáp ứng kịp thời các yêu cầu khi xảy ra thiên tai. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề xuất, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước nên bổ sung nguồn bảo hiểm và tái bảo hiểm nhằm hỗ trợ xử lý tổn thất sau thiên tai.
Cơ bản tán thành việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng một số ý kiến cũng đề nghị quy định rõ hơn phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, các đối tượng được miễn, giảm đóng góp; vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), việc thành lập Quỹ là cần thiết nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của công dân và thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên, các điều liên quan đến vấn đề này có nội dung chưa rõ ràng, còn chồng lấn; cần quy định nguyên tắc hoạt động của Quỹ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đồng thời, cần cân nhắc độ tuổi đóng góp và đối tượng đóng góp bắt buộc.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị nên quy định thành lập Quỹ ở cả 3 cấp, chủ yếu ở cấp huyện bởi nếu chỉ thành lập ở cấp tỉnh sẽ không phù hợp điều kiện thực tế các huyện miền núi, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, giao thông khó khăn, đồng thời dễ tạo cơ chế xin cho. Bên cạnh đó, đối tượng không phải nộp Quỹ, công tác quản lý cũng phải được quy định cụ thể để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát, gây mất lòng tin của nhân dân. Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề xuất bỏ nội dung hỗ trợ tu sửa nhà ở, bệnh viện, trường học vì việc này đòi hỏi nguồn lực lớn. Quỹ chỉ nên ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, như vậy việc sử dụng tránh dàn trải, bảo đảm hiệu quả hơn.
Các đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nhất trí quy định bắt buộc đóng góp Quỹ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác phòng, chống thiên tai bởi nếu chỉ chờ vào nguồn huy động thì không đủ để đáp ứng yêu cầu hoạt động phòng, chống thiên tai. Việc đóng góp Quỹ cũng là sự chia sẻ của người dân các vùng miền, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, giúp những người trong vùng thiên tai sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tuy vậy, cần công khai minh bạch để tránh thất thoát, thiếu hiệu quả và khiến người dân cảm thấy đây là gánh nặng.
Với góc nhìn khác, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc thêm việc thành lập Quỹ để tránh tình trạng tồn tại quá nhiều loại quỹ; quá trình quản lý, sử dụng Quỹ cũng dễ phát sinh tiêu cực. Trường hợp có thành lập Quỹ cũng không nên quy định việc bắt buộc đóng góp, sẽ tạo tiền lệ cho các loại quỹ bắt buộc khác. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) cũng cho rằng, quy định về Quỹ chưa thực sự hợp lý, làm phát sinh quỹ mới, phí mới bên cạnh các loại thuế mà người dân đang phải đóng góp hàng năm.
* Khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang
Về vấn đề nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến tán thành khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Với quy định về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, chống thiên tai, Nhà nước có sự đầu tư tài chính, trang thiết bị trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng này nhằm hoạt động hiệu quả hơn.
Theo đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), việc huy động nguồn nhân lực tại chỗ là điều kiện tiên quyết trong nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, vai trò của lực lượng vũ trang đã được khẳng định bằng việc đưa ra quy định cụ thể đối với 3 lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ. Trong đó, Quân đội là lực lượng nòng cốt và quan trọng nhất trong tham gia phòng, chống thiên tai. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhấn mạnh: Trên thực tế, lực lượng vũ trang luôn là lực lượng nòng cốt trong khắc phục, ứng phó phòng, chống thiên tai.
Các đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, lực lượng dự bị động viên trên địa bàn xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò của các tổ chức này đã được quy định tại nhiều điều, khoản trong dự thảo cũng như trong nhiều văn bản pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với các vấn đề cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai; thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai... Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì việc dự báo, cảnh báo thiên tai bởi thực tiễn cho thấy, nhiều dự báo thiếu chính xác, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thanh Hòa