Phát biểu tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Modi mô tả Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông và là đồng minh quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ông Modi nhấn mạnh: “Ấn Độ nhìn nhận mối quan hệ với Việt Nam từ quan điểm chiến lược và dài hạn. Hòa bình, ổn định và thịnh vượng là mục tiêu chung của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác của chúng tôi có thể đóng góp đáng kể vào việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực”. Theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, 7 thỏa thuận mà hai nước ký kết bao trùm nhiều lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng hạt nhân, hóa dầu, năng lượng tái tạo và điều trị ung thư. Hai bên cũng đang thực hiện các sáng kiến mới trong lĩnh vực hợp tác phát triển và bảo tồn văn hóa. Tất cả đang cho thấy đà mở rộng và tiềm năng của sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016 đã củng cố lòng tin và nâng cao sự hiểu biết về tầm nhìn và các lợi ích của nhau trong các vấn đề quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phía Việt Nam cũng nhất trí với các đề xuất của Ấn Độ về một gói tín dụng tiếp theo.
Hai nhà lãnh đạo đã công bố một văn kiện tầm nhìn chung và kế hoạch hành động cho các can dự song phương giai đoạn 2021-2023. Thủ tướng Modi bày tỏ “tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và con người này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới về chiều sâu của mối quan hệ của chúng ta”.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có những lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các lợi ích hàng hải quan trọng. Cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến lần này cho phép hai bên đánh giá sự hợp tác tiềm năng về Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Ấn Độ và Việt Nam cũng đồng thời là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2021, mở ra cơ hội mới để hai nước hợp tác và phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.