Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, cựu Đại sứ Ibnu cho rằng mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia chủ yếu vì lợi ích và sự thịnh vượng của nhân dân hai nước. Vì vậy, kinh tế - cụ thể là thương mại và đầu tư - là trọng tâm chính của mối quan hệ này.
Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ mức khoảng 5 tỷ USD lên 9 tỷ USD trong nhiệm kỳ 5 năm của ông (2016-2020), và đạt hơn 14 tỷ USD vào năm 2022. Do vậy, có thể nói trao đổi thương mại giữa hai nước đã và đang tiến triển rất tốt và rất ấn tượng. Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ rất nhanh, trong khi Indonesia cũng tăng trưởng ổn định.
Về đầu tư, dòng vốn từ Indonesia vào Việt Nam và ngược lại đạt khá, với 670 triệu USD tính đến năm 2022, trong đó vốn đầu tư của Indonesia chiếm 620 triệu USD. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư từ Indonesia vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi vẫn chưa có nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam sang Indonesia.
Theo ông Ibnu, ở một mức độ nào đó, điều này là hợp lý bởi về cơ bản chính sách của Việt Nam là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Song trong tương lai, Việt Nam và Indonesia có thể chứng kiến nhiều dự án đầu tư hơn từ cả hai phía.
Vấn đề kết nối – yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước - cho đến nay cũng đạt tiến triển khá. Hiện đã có một số đường bay thẳng giữa hai nước, ví dụ từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới Bali, cũng như giữa Jakarta và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo ông Ibnu, hai nước cần tăng cường kết nối nhiều hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho giao thương. Ông Ibnu bày tỏ mong muốn rằng, bên cạnh việc mở các đường bay mới như giữa Đà Nẵng và Bali, đường bay thẳng kết nối thủ đô Jakarta của Indonesia và thủ đô Hà Nội của Việt Nam – “giấc mơ” mà ông từng ấp ủ và nỗ lực thúc đẩy nhiều năm nay - sẽ sớm trở thành hiện thực.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, cựu Đại sứ Ibnu cho rằng hai nước có thể xem xét tập trung vào hợp tác nghề cá và nuôi trồng thủy sản vốn có những tiềm năng rất lớn, nhất là sau khi hai nước đã ký kết thỏa thuận phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vào tháng 12 năm ngoái.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho rằng hai nước có thể hợp tác đánh bắt một số loại cá. Điều này được đánh giá rất tiềm năng bởi chính ông đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công ty Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam có sản lượng cá rất lớn song vẫn cần thêm nguyên liệu cho ngành chế biến trong nước. Do vậy, Indonesia là đối tác rất tốt để hợp tác, không chỉ ở khía cạnh thương mại nghề cá mà còn về các dự án nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, theo ông Ibnu, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác xây dựng một số làng chài, cùng nhau đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản ở các khu vực gần đường biên giới trên biển, như tại các hòn đảo Natuna, Anambas với những điều kiện rất thuận lợi và vị trí rất chiến lược vì nằm không quá xa Việt Nam và các khu vực khác của Indonesia.
Ngoài ra, theo ông Ibnu, chuyển đổi kỹ thuật số cũng là lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng giữa Indonesia và Việt Nam trong bối cảnh mọi thứ đang được số hóa. Trong khi đó, ở Việt Nam, chính phủ cũng đang rất ưu tiên chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, ông Ibnu cho rằng hai nước còn có thể thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng vật lý như xây dựng cảng biển, đường bộ, đường sắt… Riêng về đường sắt, Indonesia “có thể làm được nhiều hơn” với Việt Nam, đồng thời tiết lộ rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông từng đã thúc đẩy một số cuộc thảo luận về vấn đề này.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cựu Đại sứ Ibnu cho rằng Việt Nam đã là quốc gia phát triển hơn rất nhiều so với trước, với nhiều tiềm năng về kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghiệp. Vì vậy, vai trò của Việt Nam trong ASEAN chắc chắn cũng tăng lên nhiều và được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xây dựng ASEAN.
Cựu Đại sứ Ibnu cho rằng Việt Nam nhận thức được vai trò ngày càng tăng này của mình, đồng thời cũng nhận thức được rằng mình có thể đóng nhiều vai trò hơn trước. Đặc biệt, Việt Nam có thể “làm cây cầu để ASEAN đoàn kết hơn và gắn kết hơn” nhờ mối quan hệ tốt đẹp với các nước Lào, Campuchia, Myanmar.
Theo ông Ibnu, trên thực tế, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực không chỉ trong mà còn ngoài khu vực ASEAN. Vai trò này đã được Việt Nam thể hiện, nhất là khi giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 – một năm rất nhiều thử thách do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhà ngoại giao này nhớ lại rằng, vào năm đó, hầu như tất cả các cuộc họp của ASEAN đều diễn ra trực tuyến. Song Việt Nam đã thành công, đóng vai trò rất tích cực và mang tính xây dựng để đưa ASEAN tiến về phía trước.
Cựu Đại sứ Ibnu nhấn mạnh rằng, với tư cách là các thành viên tích cực của ASEAN, hợp tác giữa Việt Nam – quốc gia đông dân thứ ba khu vực - và Indonesia – quốc gia đông dân nhất khu vực - rất quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của cả khối. Thông qua quan hệ song phương, Việt Nam và Indonesia cũng đóng góp rất nhiều cho ASEAN, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Theo ông Ibnu, trong vấn đề Biển Đông, việc hai nước kết thúc thành công quá trình đàm phán phân định đường biên giới trên biển đóng góp rất nhiều cho khu vực. Thỏa thuận này sẽ tác động tích cực đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước khác trong khu vực.
Cuối cùng, cựu Đại sứ Ibnu cho biết, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, ông đã được chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam. “Trong giai đoạn đó, tôi có thể thấy tất cả thế giới chú ý đến Việt Nam nhiều hơn, bởi vì Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn về kinh tế, đầu tư, thương mại, cũng như ảnh hưởng chính trị và vai trò rất chiến lược”, ông nhớ lại.
Ông Ibnu cho hay, điều khiến ông rất ấn tượng ở Việt Nam là sự tiến bộ với tốc độ phát triển nhanh, và người dân trên mảnh đất hình chữ “S”. Nhà ngoại giao này cho rằng, ở một mức độ nào đó, những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được có sự đóng góp rất lớn của những người dân rất chăm chỉ, siêng năng, thông minh, có học thức, và cũng là các đối tác hợp tác tốt. Theo ông, tất cả những đặc điểm và đức tính này kết hợp lại khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với quốc tế.