Mối quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukano xây dựng, gìn giữ và phát triển kể từ sau cuộc kháng chiến giành độc lập của hai dân tộc. Các thế hệ lãnh đạo tiếp đó đã củng cố mối quan hệ láng giềng này thông qua các cuộc gặp cấp cao.
Nhà báo Anthoni – người cũng được biết đến với tư cách là nhà bình luận quốc tế và nhà nghiên cứu kỳ cựu của Indonesia – nhấn mạnh rằng chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 21-23/12 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia là thông điệp tái khẳng định rằng lãnh đạo cấp cao Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Indonesia.
Thông qua chuyến thăm này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cùng Indonesia thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng, thực chất trên các lĩnh vực; khẳng định vai trò là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Điểm lại những mốc son trong quan hệ giữa hai nước, nhà báo Anthoni cho biết bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối ngoại diễn ra vào tháng 6/2013 khi hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Đây là kết quả của sự nỗ lực của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam và Indonesia, khẳng định vị thế của hai nước trên trường quốc tế và khu vực. Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội đến giao lưu nhân dân.
Theo ông Anthoni, quan hệ Việt Nam - Indonesia đã được thử thách và phát triển qua những bước thăng trầm của thời đại. Vào thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, cả Việt Nam và Indonesia đều là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề khi ghi nhận số lượng lớn người mắc bệnh và phạm vi lây lan trên toàn quốc. Trong thời điểm khó khăn đó, lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì kênh liên lạc ngoại giao, trao đổi, chia sẻ cách thức vượt qua khó khăn, cùng đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.
Không chỉ vậy, cả Việt Nam và Indonesia cũng chia sẻ gánh nặng với các nước thành viên ASEAN trong việc xây dựng cơ chế hợp tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và mở rộng mạng lưới tiêm chủng cho cộng đồng theo từng giai đoạn. Nhờ đó, hai quốc gia láng giềng này được xếp đứng đầu thế giới về diện bao phủ vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, trước hoàn cảnh khó khăn và yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế, Việt Nam đang chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kết nối với Indonesia và các nước khác để thúc đẩy các biện pháp tương tự.
Trong chuyến thăm Indonesia vào năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và là thành viên cộng đồng có trách nhiệm, chủ động, tích cực hội nhập toàn diện và sâu rộng. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam coi trọng và sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia.
Cũng tại buổi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo vui mừng nhận thấy mối hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2019-2023 triển khai quan hệ đối tác chiến lược và tầm nhìn hợp tác quốc phòng song phương giai đoạn 2018-2022. Hai nhà lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, nhất là cắt giảm các rào cản thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh hết sức coi trọng sự cần thiết sớm kết thúc đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước nhằm tạo hành lang pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, giảm thiểu các vụ đánh bắt cá trái phép. Việc giải quyết khác biệt về đường biên giới trên biển giữa hai nước láng giềng sẽ góp phần duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Tại Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia (JCBC-4) vào ngày 20/7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đều đánh giá cao những thành tựu hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020, vượt mục tiêu 10 tỷ USD mà hai bên đề ra trong Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023.
Hai nước cũng nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược thông qua tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương; duy trì đà tăng trưởng thương mại và đầu tư; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, năng lượng, du lịch và kết nối. Để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác trong tương lai, hai bên đã nhất trí đẩy nhanh hoàn tất Kế hoạch Hành động giai đoạn 2024-2028 làm định hướng cho hợp tác song phương trong tương lai. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí về 5 vấn đề quan trọng về hợp tác thương mại, đầu tư, an ninh hàng hải, hợp tác quốc phòng và an ninh, pháp lý và lãnh sự.