Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi với phóng viên.
|
Thưa ông, hiện nay, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, nhiều đại biểu đang băn khoăn là có tới 3 cơ quan tham gia quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, một số ý kiến cho rằng chỉ nên quy về một đầu mối, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Luật nợ công 2009 phân công rất rõ nhiệm vụ của ba cơ quan, mỗi cơ quan có chức năng riêng, Bộ Đầu Tư (KHĐT) có chức năng đàm phán các dự án liên quan đến vốn ODA và vay ưu đãi quốc tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm dự án vay ngân hàng thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính đảm nhiệm chương trình vay trong nước, phát hành trái phiếu hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Việc phân công đó rất đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi một cơ quan, giúp huy động được nhiều vốn. Chính vì vậy nên giai đoạn năm 2011 – 2015 chúng ta huy động được nhiều vốn vay từ ODA, tổ chức tài chính quốc tế cũng như việc phát hành trái phiếu.
Nếu chúng ta đặt mục tiêu cần huy động nhiều vốn thì rõ ràng phân công trách nhiệm cho 3 cơ quan như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, bất cập trong phân công là chỉ coi trọng nguồn vốn vay về đầu tư thôi còn vấn đề trả nợ như thế nào thì không có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể chính. Vì vậy nên hiện nay, tình trạng nợ công gần chạm trần và nguồn trả ở đâu, ai chịu trách nhiệm thì chưa rõ ràng.
Đó là vấn đề do chúng ta coi trọng huy động vốn mà chưa coi trọng vấn đề trả vốn. Chính vì vậy mà hiện nay trong dự thảo mới quan điểm của Ủy Ban Tài chính Ngân sách nên tập trung một đầu mối.
Theo ông việc tập trung về một đầu mối này nên thực hiện như thế nào?Cái dở hiện nay là người đi vay giải ngân xong là xong nhưng không ai trả nợ nên nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên tập trung thành một đầu mối thống nhất quản lý về nợ công. Theo tôi, một đầu mối thống nhất ở đây không có nghĩa là chỉ một cơ quan đứng ra làm mà một đầu mối duy nhất là cơ quan nào đứng ra huy động nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vào cái gì thì phải có trách nhiệm hoàn trả nguồn vốn đó. Như vậy thì gắn được trách nhiệm huy động, đầu tư vốn với khả năng trả, nếu làm tốt thì tránh được tình trạng huy động vốn ào ạt không cần biết có hiệu quả hay không, gây ra khủng hoảng nợ công.
Tức là việc đi vay chỉ có 3 đơn vị là Bộ KHĐT, NHNN và Bộ Tài chính thì cho ai vay và vay như thế nào thì phải chịu trách nhiệm về việc đó. Còn một đầu mối quản lý tức là cần có một đơn vị đứng ra xây dựng kế hoạch vay nợ công. Đơn vị đó phải thực hiện trách nhiệm xây dựng kế hoạch vay nợ công, tính toán giai đoạn này vay bao nhiêu, giai đoạn kia vay bao nhiêu. Trong số đó, phân bổ bao nhiêu đầu tư công cho xây dựng hạ tầng, bao nhiêu vay bảo lãnh, bao nhiêu cho vay lại và giao cho các đơn vị thực hiện...
Chính phủ đóng vai trò cao nhất quyết định dựa vào kế hoạch vay, còn các đơn vị vay bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm về khoản vay đó. Ví dụ NHNN đứng ra vay và bảo lãnh cho vay nếu đơn vị được bảo lãnh không trả được thì ngân hàng phải lấy quỹ ngân hàng bù đắp chứ không thể lấy quỹ Chính phủ bù đắp.
Trân trọng cảm ơn ông!