Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 12/8, tại thành phố Ninh Bình, trên 200 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của tỉnh Ninh Bình đã tham dự Đại hội lần thứ 3 nhiệm kỳ 2014 - 2019, nhằm ôn lại truyền thống, đánh giá kết quả hoạt động, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình đã dự đại hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ xúc động được gặp lại nhiều đồng chí, đồng đội là những người đã cùng nhau đoàn kết, anh dũng đấu tranh chống lại sự đàn áp dã man, tàn bạo của kẻ thù.
Chủ tịch nước bày tỏ quan tâm về một số chiến sĩ cách mạng vì nhiều lý do vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi, kinh tế thiếu thốn, thường xuyên đau yếu do di chứng đòn roi. Chủ tịch nước căn dặn Ban liên lạc, các cơ quan chức năng cần chia sẻ khó khăn với các đồng chí một cách hiệu quả, thực sự là cầu nối nghĩa tình.
Chủ tịch nước mong muốn các chiến sĩ cách mạng tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công; tiếp tục cổ vũ lòng yêu nước, nêu gương sáng cho con cháu noi theo; tiếp tục cổ vũ tinh thần vượt khó, nêu cao ý chí tự lực, tự cường của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đề nghị, các chiến sĩ cách mạng tham gia trách nhiệm vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp ý xây dựng Đảng; làm cho từng tổ chức Đảng có đảng viên là cựu tù binh sinh hoạt thật sự trong sạch vững mạnh, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
*Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình; cho rằng trong bối cảnh đầu tư của Trung ương chưa nhiều, việc các địa phương chủ động sáng tạo huy động các nguồn lực xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân, góp phần xây dựng nền tảng chính trị, tạo lòng tin cho dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực: Giảm nhanh tỷ lệ nghèo, an ninh chính trị cơ bản tốt, trong thời gian hơn 1 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ, Ninh Bình cần tập trung mọi nguồn lực khắc phục nhanh những hạn chế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch nước lưu ý tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập lao động nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do vậy, Ninh Bình cần hết sức chú ý cân đối và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Chủ tịch nước nêu rõ, Ninh Bình phải chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ địa phương đi lên từ cơ sở; có cách làm mạnh dạn sáng tạo, chứng minh được năng lực thực tế. Cơ bản đồng tình với những đánh giá của tỉnh về bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn xã hội, Chủ tịch cũng căn dặn Ninh Bình lưu ý đề phòng những loại tội phạm nguy hiểm, đặc biệt là ma túy, không được để hình thành các băng nhóm lũng đoạn; xây dựng thế trận lòng dân.
Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về cho phép Ninh Bình xây dựng đề án quốc gia về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa cố đô Hoa Lư và có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư, bảo vệ quần thể di sản văn hóa thế giới Tràng An... Chủ tịch nước đề nghị tỉnh phối hợp với các bộ, ngành để khảo sát, mạnh dạn nghiên cứu đề xuất các hình thức thu hút đầu tư triển khai cho phù hợp và hiệu quả; đồng thời rà soát những chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành tư pháp... để có thể điều chỉnh trong thời gian tới.
Hoàng Giang - Vũ Minh