Phát triển thị trường khoa học công nghệ
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội cho rằng, chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST) và thúc đẩy thị trường KHCN, coi KHCN, ĐMST là động lực, là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong chiến lược phát triển KHCN, ĐMST đến 2030. Trong thời gian qua, mặc dù tình hình thiên tai, dịch bệnh gây nhiều khó khăn, nhưng cả nước đã phát huy tinh thần khởi nghiệp ĐMST với quyết tâm rất cao, được cử tri và nhân dân ghi nhận.
Để thị trường KHCN phát triển theo kỳ vọng, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng cần quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, từ đó tạo nên sự phong phú cho thị trường KHCN. Sớm rà soát sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, rào cản pháp lý mà đã được các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... góp ý”, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề nghị.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KHCN như giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm NCKH có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KHCN. Đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ KHCN. Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Thí điểm các mô hình doanh nghiêp trong trường đại học như mô hình spin off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học... và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu, ĐMST - nơi cung cấp sản phẩm KHCN cho thị trường KHCN. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho KHCN rất thấp so với các nước.
“Chính phủ cần rà soát quy hoạch các tổ chức KHCN, các trường đại học và viện nghiên để có chiến lược đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức KHCN. Cần tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN cho các viện nghiên cứu, các trường đại học nơi có đội ngũ nhân lực KHCN đông đảo, coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế, tạo nên hình ảnh của một quốc gia, một dân tộc và đây chính là cái nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ”, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề nghị.
Tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 được Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về điều chỉnh quy hoạch đất lúa và các loại đất rừng, ĐBQH Nguyễn Thành Nam cho biết, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân khai chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong đó xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cuối kỳ quy hoạch và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng khi triển khai thực hiện đến mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10 hecta đất lúa, 20 hecta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50 hecta đất rừng sản xuất thì một lần nữa lại phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ. Thực tế việc làm này làm chậm tiến độ cho việc thực hiện các dự án đầu tư.
“Đề nghị Quốc hội xem xét cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải xin ý kiến các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai, để các cơ quan Trung ương dành thời gian tăng cường kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai theo kế hoạch đã được duyệt”, ĐBQH Nguyễn Thành Nam nêu ý kiến.
Về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 2021-2025, ĐBQH Nguyễn Thành Nam cho biết, thực hiện Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất rất thấp, chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với chỉ tiêu xác định nhu cầu. Trong đó, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 khu công nghiệp 2.485ha, bằng 50% so với mục tiêu (4.500ha); đất thể thao 505ha, bằng 40% so với mục tiều (1.200ha); chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 đất khu công nghiệp 1.766ha, bằng 71% so với mục tiêu (2.485), đất thể thao 289 ha, bằng 52% so với mục tiều (550ha).
ĐBQH Nguyễn Thành Nam cho rằng, như vậy nhiều dự án khu, cụm công nghiệp, dự án khu đô thị, khu du lịch... không có đủ điều kiện để triển khai hoặc chỉ triển khai được một phần dự án. Mặt khác giai đoạn từ 2021-2025, tỉnh Phú Thọ đang đứng trước cơ hội lớn về tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai nhiều dự án lớn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thơi, trong giai đoạn đầu của quy hoạch, tỉnh cần tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư từ khâu lập quy hoạch xây dựng, quyết định chủ trường đầu tư.
Do vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025, ĐBQH Nguyễn Thành Nam đề nghị Chính phủ quan tâm sớm điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Cụ thể, điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đối với đất khu công nghiệp là 2.485 ha, đất thể dục, thể thao là 550ha; chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đối với đất khu công nghiệp của tỉnh khoảng 4.500ha; đất thể dục thể thao khoảng 1.200ha. Đồng thời sớm xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với hai dự án Khu Công nghiệp Tam Nông, Khu Công nghiệp Hạ Hòa tạo điều kiện cho tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng trong năm 2022.
Vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được của đất nước, hiện nay cử tri người cao tuổi (NCT) cả nước còn băn khoăn, lo lắng trước tình trạng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường. Đời sống của một bộ phận nhân dân ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. NCT sống trong hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao; hiện còn 5% NCT chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Chính sách bảo trợ còn bất cập, chính sách bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn; cơ chế chính sách phát huy vai trò NCT chưa được cụ thể hóa…
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, trong những năm qua NCT trong các nước đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hiện cả nước có 65 vạn là Bí thư, tổ trưởng thôn bản, dân phố, là những người đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở, phong trào xây dựng khối đại đoàn kết, phong trào xây dựng gia đình mẫu mực, gia đình văn hóa. Có khoảng 6,5 triệu NCT vẫn đang tham gia lao động sản xuất, kinh doanh là chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tổ cộng đồng phòng chống dịch COVID… Đội ngũ trí thức có trình độ cao, có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư NCT chiếm tỷ lệ rất đáng kể...
Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, phát huy vai trò NCT trong tình hình mới là một yêu cầu cấp thiết. Để phát huy vai trò NCT từng hội viên cử tri người cao tuổi mong muốn Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách động viên khuyến khích NCT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đại biểu Trương Xuân Cừ kiến nghị cần sớm sửa Luật NCT bởi Luật đã thực hiện hơn 12 năm, một số điều không còn phù hợp, nhất là tốc độ già hóa, rất già và siêu già của Việt Nam quá nhanh. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò người cao tuổi; số lượng NCT sẽ tăng nhanh. Hiện còn khoảng 4% NCT chưa có thẻ bảo hiểm y tế nên NCT rất cần sớm được hưởng chương trình bảo trợ xã hội bởi NCT từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo cả nước còn nhiều. Cần có chủ trương, cơ chế, chính sách xây dựng các trung tâm dưỡng lão người cao tuổi bằng hình thức xã hội hóa (hiện mới chỉ đáp ứng 0,001%).