Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, toàn tỉnh có hơn 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, hơn 16.900 liệt sỹ, 1.275 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 14 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, hơn 13 nghìn thương binh, trên 8.000 bệnh binh, trên 8.900 người bị nhiễm chất độc hóa học và có con đẻ bị ảnh hưởng.
Những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo để giải quyết tốt, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện công tác người có công ngày càng kịp thời, hiệu quả. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" ngày càng lan tỏa với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội"; vận động cơ quan, đơn vị phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, ngày thương binh, liệt sỹ 27/7; hỗ trợ về việc làm, sản xuất, học tập, chăm sóc người có công và thân nhân người có công…
Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, sự chung tay của toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên địa bàn cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng nhấn mạnh, đạo lý của dân tộc đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục làm nhiều hơn, tốt hơn đối với việc chăm lo cho người có công. Mỗi người phải thực hiện nhiệm vụ này bằng ý thức tự giác, bằng cả tấm lòng như đối với người thân của chính mình; chăm lo cho người có công chính là việc làm để tôn tạo truyền thống quý báu của dân tộc, chăm lo cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.
Để thực hiện các mục tiêu đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị, cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ; tạo điều kiện để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Đối với các phong trào, chương trình "Đền ơn đáp nghĩa" cần nâng cao chất lượng, chú trọng giáo dục thế hệ trẻ; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... tạo sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội.
Dịp này, 13 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và 143 người có công tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh giai đoạn 2017-2022 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.