Lãnh đạo ngành Giáo dục Quảng Ngãi đề nghị thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, gió lốc trên phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản tại các cơ sở giáo dục, trường học; phân công cán bộ, bộ phận có liên quan trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh; có kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phòng, chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường, lớp học, khắc phục hậu quả, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học sau mưa, lũ, gió lốc, để đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học 2019 - 2020.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục từ ngày 1/11/2019, tùy theo tình hình diễn biến mưa, lũ, gió lốc tại địa phương, chủ động thông báo cho học sinh đi học hoặc nghỉ học và có kế hoạch học bù, đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh, giáo viên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện còn 418 tàu với 5.050 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 111 tàu, vùng biển quần đảo Trường Sa có 118 tàu, vùng biển các tỉnh phía Nam là 26 tàu, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 137 tàu...
Trước diễn biến của cơn bão số 5, sáng 30/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi tình hình mưa, lũ thực tế tại địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt, lưu ý các biện pháp ứng phó với các tình huống: lũ lớn, đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng ven biển, ven sông, suối, vùng trũng thấp và khu vực miền núi.