Hội nghị được trực tuyến đến tất cả các địa phương trong tỉnh, với sự tham gia của đại diện hơn 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện có trên 19.450 doanh nghiệp. Do tác động của dịch COVID-19, đại đa số doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Tính đến 30/4, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh mới đạt 19,7% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2020, số vốn đăng ký giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 203 đơn vị, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 522 đơn vị, tăng 32,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 530 doanh nghiệp với trên 15.000 người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, có khoảng 41.000 lao động tự do cũng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp khẳng định, những quyết sách của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã tạo sự an toàn cho người dân trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh cũng đã vào cuộc hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực như: hỗ trợ chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu, vốn ngân hàng… Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của các sở, ngành, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình kinh doanh, sản xuất trên địa bàn gặp một số khó khăn như: không chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; chi trả lương cho người lao động; các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch bị đình trệ…
Hơn 70 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi đến đã được các sở, ban, ngành tổng hợp và trả lời nhân hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lần này; doanh nghiệp cũng nêu nhiều ý kiến kiến nghị trực tiếp tại hội nghị. Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào các nhóm nội dung: cơ chế chính sách về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; bảo hiểm xã hội; lao động; thủ tục hành chính... do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Bruno Jaspeart, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tiền Phong và Công ty cổ phần Công nghiệp Bắc Tiền Phong chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà đầu tư đang dịch chuyển và tìm hướng đầu tư vào Việt Nam, vì vậy Quảng Ninh cần nhanh chóng tìm cách đón làn sóng đầu tư này. Quảng Ninh đang thiếu các khu hóa chất, hóa dầu, cảng biển vì vậy ông Bruno Jaspeart muốn đầu tư những lĩnh vực này vào khu công nghiệp Quảng Yên.
Ông Bruno Jaspeart có ý kiến, tỉnh cho phép các nhà đầu tư vào khu công nghiệp không phải cách ly tập trung, có thể cho các chuyến xe riêng biệt đi thẳng vào khu công nghiệp, mặc bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với người trong khu công nghiệp. Tỉnh cần có tuyến đường kết nối với khu công nghiệp lân cận; nạo vét luồng tuyến để tàu đi vào khu công nghiệp dễ dàng. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch; tạo ra ưu đãi, ưu thế so với tỉnh, vùng khác. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp chuyên biệt, nâng cấp các trường dạy nghề cung cấp công nhân cho các khu công nghiệp.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group đề nghị tỉnh cần nâng cấp hạ tầng du lịch, chất lượng điểm đến, ổn định tâm lý người dân; có giải pháp nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ tầng giao thông; tăng cường các chuyến xe buýt miễn phí, quảng bá hình ảnh, hỗ trợ truyền thông. Đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm mới.
Ông Oh Jen Hui, Tổng giám đốc chi nhánh Công ty CTTV, Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên cho biết, công ty ông chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị tivi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang làm việc lại do đó công ty mong muốn tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để các chuyên gia vào nhà máy, khôi phục sản xuất.
Một số doanh nghiệp khác trong tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần thiết tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, thông quan; cắt giảm các chi phí gián tiếp, phát sinh; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc, dạy nghề. Đồng thời giải quyết các vướng mắc về mặt bằng, nguồn nguyên liệu, lao động…
Tất cả các nội dung kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đều được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trực tiếp giải đáp, xem xét giải quyết thể hiện sự đồng lòng, chia sẻ và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ứng phó dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, giáo dục... Doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I năm 2020 và dự báo cả năm năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị đình trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn với mục tiêu giữ vững kết quả đã đạt được; đồng thời, khởi động mạnh mẽ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội. Tỉnh tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động cho doanh nghiệp…