Tuyến đường trục chính nối các khu chức năng chính của Khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Trong suốt thời gian của giai đoạn chuẩn bị - khởi động, toàn bộ kinh phí xây dựng đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn cũng như xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông đều từ ngân sách địa phương và vốn đầu tư của các doanh nghiệp.
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã nghiên cứu Đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Song song với việc xây dựng Đề án, Quảng Ninh tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện căn bản hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 55.100 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Vân Đồn.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược để nhanh chóng triển khai các dự án động lực như Cảng hàng không quốc tế và dự án Khu du lịch phức hợp cao cấp có casino tại Vân Đồn. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước chủ động xin Trung ương cho phép tự bỏ tiền ngân sách địa phương và huy động vốn xã hội để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Đây là tuyến cao tốc quan trọng đối với việc xây dựng “đặc khu” hành chính – kinh tế Vân Đồn, bởi nó tạo ra hệ thống giao thông đường bộ kết nối với giao thông quốc gia, quốc tế từ Hà Nội đi Hải Phòng, Hạ Long, Vân Đồn và ra cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho phép Quảng Ninh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết: Đến quý I/2018, Quảng Ninh sẽ hoàn thành khoảng 85 km cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long – Vân Đồn. Phấn đấu triển khai và hoàn thành 80km đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có gần 200km đường cao tốc. Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ là tiền đề quan trọng giúp thu hút vốn đầu tư vào Vân Đồn làm nền tảng xây dựng thành công “đặc khu” hành chính – kinh tế.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho Đặc khu hành chính - kinh tế nói chung và Vân Đồn nói riêng rất quan trọng.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho biết: Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù đối với “đặc khu” hành chính – kinh tế Vân Đồn. Đó là các nhóm chính sách về thuế, đất đai - bất động sản, tài chính – ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư – kinh doanh, quản lý – phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh – quản lý cư trú, xuất nhập khẩu, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch…
Theo ông Kiên, các cơ chế, chính sách này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế với nguyên tắc tuân thủ pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn cho biết, Quảng Ninh rất tự tin với đề án “Đặc khu” hành chính – kinh tế Vân Đồn. Những cơ chế chính sách vượt trội đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Để các nhà đầu tư không quá “sốt ruột “, tỉnh đã cơ bản hoàn thành Đề án để báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia.
Khi các cơ chế, chính sách đặc biệt thông qua, Quảng Ninh hy vọng sẽ xây dựng thành công đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh. Phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển, thành phố đáng sống với biểu tượng của thành phố xanh – tri thức, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố xanh, kiến trúc độc đáo.