Quảng Trị: Phát huy tinh thần Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào trong đổi mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Trải qua 50 năm (23/3/1971- 23/3/2021), giá trị lịch sử của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tuyến Đường 9 năm xưa gắn với Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nay đã trở thành Hành lang Kinh tế Đông - Tây kết nối, thúc đẩy sự phát triển, tăng cường liên kết, hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng an ninh với các quốc gia Lào, Thái Lan, Myanmar và Tiểu vùng sông Mê Kông.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Chỉ hơn một năm sau Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng vào ngày 1/5/1972. Như nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả trong bài “Nước non ngàn dặm” về Đường 9 như sau:

"Xe lên Đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh"

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ, người đã từng trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, kể lại: Sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị chỉ còn lại đống hoang tàn đổ nát. Bom đạn còn tồn dư sau chiến tranh rất lớn và gây ra nhiều thương vong.

Thế nhưng sau 50 năm, dọc hai bên Quốc lộ 9 đoạn qua vùng đồng bằng các huyện Gio Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà là những khu đô thị, dân cư đông đúc, cánh đồng lúa xanh tốt bạt ngàn. Dọc theo Quốc lộ 9 ở vùng miền núi đoạn qua hai huyện Đakrông và Hướng Hóa là hàng chục nghìn ha rừng trồng keo và tràm, gần 5.000 ha cà phê, hơn 4.500 ha chuối cùng nhiều cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao.

Về công nghiệp, ven Quốc lộ 9 đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa dần trở thành Trung tâm điện gió của khu vực miền Trung, thu hút 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.000 MW, trong đó có 31 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Về thương mại, điểm đầu của Quốc lộ 9 là cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, ngày ngày tàu hàng có tải trọng hàng nghìn tấn tấp nập ra, vào cảng. Quốc lộ 9 đoạn giáp biên giới Việt Nam – Lào có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo luôn nhộn nhịp giao thương.

Chú thích ảnh
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (phía Việt Nam). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Lê Minh Tuấn cho biết: Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Điều này giúp địa phương và tỉnh có thể khai thác được tiềm năng rất lớn từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, gắn liền với du lịch và hợp tác với các nước trong khu vực.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam, phát huy hào khí chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh bình quân trong 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/người. Toàn tỉnh có 60 xã và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với trên 7.700 cơ sở sản xuất.

Đặc biệt, công nghiệp năng lượng tái tạo có sự phát triển nhanh chóng; tổng công suất phát điện năm 2020 đạt 377 MW, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2015; dự kiến cuối năm 2021 sẽ có thêm 900 MW điện gió, điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia. Trung tâm điện khí Hải Lăng đã được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó giai đoạn 1 có quy mô công suất 1.500 MW. Cùng với các dự án nhiệt điện than 1.320MW, nhiệt điện khí 340MW và nguồn khí mới phát hiện từ mỏ Kèn Bầu, hứa hẹn tương lai không xa Quảng Trị sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và cả nước.

Du lịch phát triển và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Những địa danh ghi đậm dấu ấn trong chiến tranh vệ quốc như: Tà Cơn - Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị được đầu tư tôn tạo trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống yêu nước, vừa khai thác phục vụ du lịch. Các lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu xuyên Á”, “Hoa đăng trên sông Thạch Hãn” để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tour du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế.

Là tỉnh chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với nước. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” diễn ra sâu rộng. Quảng Trị thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo gần 55.000 mộ liệt sĩ là con em của 52 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát huy truyền thống đoàn kết trong chiến tranh và tinh thần phối hợp, hiệp đồng tác chiến trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng giữ gìn, phát huy, xây đắp và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào. Lãnh đạo tỉnh và tổ chức chính trị xã hội, các huyện giáp biên giới với nước bạn Lào đã duy trì tốt cơ chế hội đàm thường niên, trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Đường 9 năm xưa với những chiến công lừng lẫy trở thành trọng điểm phát triển của tỉnh với các định hướng phát triển về năng lượng, vận tải hàng hóa quốc tế, phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế, đã và đang là động lực đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế.

Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1/1971 - 23/3/1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã đánh cho quân đội Ngụy Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp; đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân); bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối; thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.

Nguyên Lý (TTXVN)
Giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 
Giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 

Cách đây 50 năm, sau hơn 50 ngày đêm (từ ngày 30/1–23/3/1971), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân và dân ta giành toàn thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN