Nhà dân bị tốc mái sau bão. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN
|
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong 2 ngày 14 - 15/9, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa rất lớn từ 200 đến 300 mm, có những nơi như các xã Vĩnh Khê, Cam Chính, thị trấn Cửa Việt,… ở mức từ 303,8 đến 377 mm.
Do mưa to, gió lớn nên mực nước ở một số con sông lên nhanh, phổ biến xấp xỉ ở mức báo động 1 và trên báo động 1, gây ngập trên một số tuyến đường giao thông nông thôn vùng thấp trũng, ven sông, suối. Bão cũng làm chia cắt một số tuyến đường ở tuyến đường xã miền núi Tà Rụt đi xã AVao bị ngập trên 3m; tuyến đường 558a nước vượt cầu tràn Ba Lòng khoảng 2m; tuyến đường đi xã Ba Nang bị ngập, chia cắt nhiều điểm, nước vượt ngưỡng tràn 2,5m; hơn 500 ha cây cao su và một số diện tích hoa màu và cây ăn quả bị gãy đổ, hư hại... Tại huyện đảo Cồn Cỏ, trên 80% nhà dân và một số nhà công vụ bị tốc mái, nhiều cây xanh quanh đảo bị bật gốc.
Ngay sau khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, phóng viên TTXVN cũng đã có mặt tại địa bàn các xã vùng Đông của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây được xem là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhiều diện tích cao su bị gãy đổ.
Ông Hồ Văn Cần, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết dù bão không đổ bộ trực tiếp nhưng sự tàn phá của bão rất nặng nề, nhà cửa tốc mái, cây cối gẫy đổ, gây thiệt hại khá lớn cho người dân.
Ngay sau khi cơn bão quét qua, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã triển khai các đoàn đi kiểm tra tình hình, động viên người dân khắc phục hậu quả thiệt hại do bão. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Trước mắt, tỉnh hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng đối với mỗi hộ có nhà bị tốc mái. Tỉnh cũng sẽ kiểm tra đối với các vườn cây cao su, hộ nào bị thiệt hại nặng sẽ có chính sách hỗ trợ để tái canh lại vườn.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống tại các địa phương để chỉ đạo chính quyền cơ sở cùng với nhân dân tổ chức kịp thời các phương án, giải pháp phòng chống mưa bão, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh cùng sự tích cực của chính quyền các địa phương, nhân dân đã cơ bản thu hoạch hơn 95% diện tích lúa hè thu đúng như chủ trương “Xanh nhà hơn già đồng”; kêu gọi toàn bộ 2.312 tàu thuyền của tỉnh với hơn 7.500 người vào neo đậu an toàn tránh trú bão.
Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi được 51 tàu thuyền ngoại tỉnh với 335 người vào trú an toàn trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời huy động sơ tán bão được 6.256 hộ gia đình với 20.444 người ở nơi có nguy cơ rủi ro cao đến trú ẩn nơi an toàn; sơ tán tránh lũ cho 544 hộ với 2.475 người ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa đến nơi trú ẩn an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 2 thành viên xung kích ở huyện miền núi Đakrông bị cây đè khi đang giúp dân chống bão và một cụ già bị thương do bão số 10; 170 nhà dân, nhà công vụ bị sập, tốc mái, xiêu vẹo, trường mầm non A Vương của xã Tà Rụt huyện Đakrông bị tốc mái…