Nâng chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng
Cùng với chức năng lập pháp và giám sát, những vấn đề quan trọng nhất của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội bao gồm ba nội dung chủ yếu: Một là, các vấn đề về tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước, như thành lập, bãi bỏ các cơ quan trung ương trong bộ máy Nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn các chức vụ cao nhất của Nhà nước và những người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Hai là, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; quyết định chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Nhà nước; quyết định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai của cả nước; quyết định chủ trương đầu tư các công trình quan trọng quốc gia... Ba là, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong ba nhóm vấn đề quan trọng này thì việc quyết định các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước là nhiệm vụ có tính chất trọng tâm và thường xuyên của Quốc hội.
Trước nghị trường Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Quốc hội nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia.
Ngay trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội khóa mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tạo những bước chuyển
Nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng vẫn còn những hạn chế như một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ; khó đánh giá, xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra...
Rút ra bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ XIV, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần rà soát, chuẩn hóa các quy định về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra. Quy định rõ hơn việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng; đồng thời cần tăng cường việc cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định; làm rõ vai trò, nâng cao tính pháp lý và tính độc lập của Hội đồng thẩm định nhà nước trong việc thẩm định các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Dấu ấn ngay kỳ họp đầu
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã để lại ấn tượng sâu sắc khi đã có những quyết định mạnh mẽ, kịp thời để đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống đại dịch.
Cử tri và các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận rất cao với quyết đáp đặc biệt của Quốc hội khi trao thêm quyền hạn, tạo thêm dư địa cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai), quyết định này đã thể hiện rất rõ ràng thông điệp của Quốc hội tiếp tục đổi mới, sáng tạo; khẳng định về một Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, sẵn sàng tham gia và ủng hộ các nỗ lực, những biện pháp mạnh để giải quyết khó khăn, kịp thời ngăn chặn sự lây lan, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, mang lại cuộc sống ổn định cho nhân dân.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp quy định về phòng, chống COVID-19, quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 là rất cần thiết.
Đánh giá cao việc Quốc hội nhất trí đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) khẳng định Quốc hội đã thực sự đồng hành cùng với Chính phủ trong những nỗ lực để phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu, việc Quốc hội đưa vào trong nghị quyết của mình một quyết định rất quan trọng cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được chủ động đưa ra những biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế-xã hội, mặc dù những quy định đó chưa hề được quy định pháp luật hoặc có thể đụng chạm đến một số quy định văn bản pháp luật, là một quyết định rất cần thiết trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. Điều này sẽ giúp cho Chính phủ có thể linh hoạt hơn, chủ động hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong việc phòng, chống dịch cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Cùng quan điểm về việc Quốc hội đưa thêm nội dung phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, đại biểu Rơ Châm H′Phik (Gia Lai) nhận xét đây là một biện pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương lẫn địa phương an tâm trong công tác phòng, chống dịch.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Với những bước đổi mới đồng bộ trên cả ba lĩnh vực then chốt trong hoạt động của Quốc hội, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XV đã lan tỏa một tinh thần đổi mới, một quyết tâm hành động, nhanh nhạy và quyết đoán, hứa hẹn mở ra một nhiệm kỳ hoạt động hiệu quả và thành công, với những dấu ấn đậm nét về một Quốc hội đổi mới, vì dân.