Quốc hội thảo luận về Luật hàng không dân dụng Việt Nam

Sáng 29/10, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng giá dịch vụ hàng không hiện nay vẫn cao và tình trạng chậm chuyến vẫn rất phổ biến. Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu đều thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giá dịch vụ hàng không quá cao


Thảo luận về Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không. Các đại biểu cho rằng: Hàng không dân dụng là lĩnh vực đặc thù vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế. Do đó, quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là Nhà chức trách hàng không là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) phát biểu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Ảnh:Phương Hoa – TTXVN


Tuy nhiên, giá dịch vụ hàng không hiện nay là vấn đề đang được xã hội quan tâm, đặc biệt đối với giá dịch vụ hàng không tại các sân bay hiện nay quá cao, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nêu ý kiến: Tại khoản 6 quy định “Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh, điều hành bay đi, đến…”, tuy nhiên, theo Điều 8 Nghị định 177/2013/NĐ-CP qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật giá thì Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không bao gồm: Dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ hoạt động bay, soi chiếu an ninh. So sánh quy định của pháp luật về giá với khoản 6 Điều 11 Dự thảo thì có sự chồng chéo trong việc quy định thẩm quyền về giá. “Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thẩm quyền quy định về giá theo Luật giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, đại biểu Thụy đề nghị.

Về quy định nhà chức trách hàng không theo khoản 2a điều 9, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) nêu ý kiến: “Tôi tán thành với quy định về nhà chức trách hàng không trong Dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phù hợp với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, tôi đề nghị quy định cụ thể chủ thể nào là nhà chức trách hàng không, theo đó cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải về hàng không dân dụng, cơ quan này có thể quy định luôn cơ quan này trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải".

Cần khắc phục tình trạng chậm chuyến


Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến là việc khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng. Theo các đại biểu, Luật Hàng không dân dụng hiện hành đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, của hành khách; bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến... Tuy nhiên, Luật thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp về các điều kiện vận chuyển, duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách. Do đó, các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nêu ý kiến: “Vấn đề chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không gây rất nhiều bức xúc cho hành khách trong thời gian qua. Theo báo cáo của Cục hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2014 có đến trên 40% chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, trong đó có nhiều nguyên nhân như: Do cơ chế quản lý, sự cố kỹ thuật, thời tiết xấu… Việc chậm, hủy chuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, sức khỏe, tiền bạc của hành khách, đây là những quyền lợi thiết thực của khách hàng nhưng luật hiện hành chưa có cơ chế bảo vệ”.

Về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Việc mở, đóng sân bay chuyên dùng có liên quan chặt chẽ đến việc bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, do sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác hàng không dân dụng nên cần phải có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải. Để đáp ứng được yêu cầu này, các đại biểu đề nghị giao cho Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng, sau khi đã thống nhất được với Bộ Giao thông Vận tải.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phân tích: "Từ trước đến nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng quản lý ra quyết định mở đình chỉ, thành lập hoạt động các sân bay chuyên dùng hơn nữa việc quản lý hoạt động sân bay được Bộ Quốc phòng quản lý nghiêm ngặt có sự phân công kết hợp với nhiều phương tiện tạo thành một hệ thống quản lý vùng trời hiệu quả. Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về khai thác hàng không dân dụng theo quy định của ICAO, do đó rất cần có sự thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải”.

PV


Quốc hội nghe báo cáo về sân bay Long Thành
Quốc hội nghe báo cáo về sân bay Long Thành

Sáng 29/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường nghe Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN