Theo Quyết định trên, Tiểu ban hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Thành viên Tiểu ban và Tổ công tác giúp việc Trưởng Tiểu ban trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của các Thành viên Tiểu ban.
Tiểu ban họp, thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng Tiểu ban để quyết định định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và việc tổ chức triển khai thực hiện; mọi công việc được thảo luận dân chủ, thống nhất và tăng cường phối hợp giữa các Thành viên Tiểu ban, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thành viên Tiểu ban có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này và các nhiệm vụ được phân công; tham gia đầy đủ các hoạt động của Tiểu ban; chịu trách nhiệm trước Trưởng Tiểu ban về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm duy trì kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24; kịp thời báo cáo Trưởng Tiểu ban về nội dung công việc được phân công theo định kỳ hoặc khi có tình huống đột xuất.
Phạm vi giải quyết công việc của các Thành viên Tiểu ban phải theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công và quy định tại Quy chế này.
Cũng theo Quyết định nêu trên, Trưởng Tiểu ban có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của Tiểu ban và công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc; phân công nhiệm vụ các Phó Trưởng Tiểu ban, các Thành viên Tiểu ban.
Đồng thời, Trưởng Tiểu ban có trách nhiệm triệu tập và chủ trì các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Tiểu ban; chỉ đạo chuẩn bị báo cáo, đề xuất của Tiểu ban với Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Trưởng Tiểu ban có trách nhiệm chỉ đạo các Thành viên Tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo việc điều phối, phối hợp giữa các Thành viên Tiểu ban, phối hợp với các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Quyết định nêu rõ, trách nhiệm của Phó Trưởng Tiểu ban là giúp Trưởng Tiểu ban trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tiểu ban theo nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Tiểu ban về kết quả thực hiện.
Phó Trưởng Tiểu ban có trách nhiệm thay mặt Trưởng Tiểu ban giải quyết công việc được Trưởng Tiểu ban phân công; triệu tập, chủ trì họp hoặc lấy ý kiến các thành viên Tiểu ban để thống nhất giải quyết những vấn đề phát sinh hoặc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Tiểu ban giao; chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Tiểu ban phân công bằng bộ máy, nguồn lực của cơ quan, tổ chức mình.
Các Thành viên Tiểu ban có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Tiểu ban phân công và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các thành viên khác của Tiểu ban, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; kịp thời báo cáo Trưởng Tiểu ban về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, kiến nghị giải pháp đối với những vấn đề phát sinh.
Quyết định ghi rõ thành lập Tổ công tác giúp việc Trưởng Tiểu ban có trách nhiệm tham mưu, giúp Trưởng Tiểu ban thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Trưởng Tiểu ban. Cụ thể, xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo kết luận, chỉ đạo và phân công của Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia; tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công; phối hợp với các Tiểu ban khác thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và của Tiểu ban; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Tiểu ban; kịp thời tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban; sử dụng công nghệ để điều hành, triển khai các nhiệm vụ được nhanh chóng, kịp thời; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Trưởng Tiểu ban phân công.
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ về chế độ họp và báo cáo; quan hệ phối hợp công tác và danh sách phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Trưởng Tiểu ban, Phó trưởng Tiểu ban và các thành viên Tiểu ban.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông cũng ký Quyết định Số 02/KH-TBTT về Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 với thông điệp "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài" cho tuần 36 từ ngày 30/8 đến 6/9/2021 và Kế hoạch số 03/KH-TBTT về thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Các kế hoạch chỉ rõ, cần phải huy động các lực lượng truyền thông (báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang tin điện tử, mạng xã hội, mạng viễn thông, các công nghệ hỗ trợ...) để tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp mạnh, tăng cường của Chính phủ, phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, kiến nghị những giải pháp mới nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường; đấu tranh, phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các lực lượng truyền thông cần cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời, chính xác, nhất là các thông tin thiết thực, giúp nhân dân đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, được chăm sóc sức khỏe, không gây hoang mang, lo lắng nhưng cũng không gây tâm lý chủ quan trước dịch bệnh. Báo chí, truyền thông trực tiếp tham gia chống dịch, lấy việc thông tin, hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm mục tiêu lớn nhất.