Đây cũng là một trong những vấn đề mới được đề cập tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, luật sư và nhà khoa học góp ý thời gian gần đây.
Góp ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Điều 225 của dự thảo luật quy định: “1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu…”.
Theo ông Đặng Đình Luyến, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo luật đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho Ủy ban nhân dân giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết. Nguyên nhân là do số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho Tòa án nhân dân giải quyết, thì sẽ không bảo đảm tính khả thi, vì đội ngũ thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động. Việc xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy phải qua các cấp xét xử, mất rất nhiều thời gian, có những vụ án dân sự phải giải quyết trong nhiều năm.
Vì vậy, ông Đặng Đình Luyến đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân, thì có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn, chiếm,... Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai. Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
Thực tiễn cho thấy có nhiều tranh chấp đất đai giao cho cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban nhân dân) giải quyết thì hợp lý, hiệu quả hơn, vì các cơ quan này trực tiếp quản lý, giao đất, cho thuê đất, thanh tra, kiểm tra … nên nắm rất chắc tình trạng mảnh đất có tranh chấp, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và từ đó đưa ra phương án giải quyết hợp lý, chính xác, thuyết phục, sẽ được các bên dễ chấp nhận. Việc giao cho Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp đất đai, thì Tòa án sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu vụ việc tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp, mảnh đất có tranh chấp và các vấn đề khác có liên quan. Còn các bên tranh chấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chi phí nhiều kinh phí, mất nhiều thời gian tham gia trong quá trình giải quyết, như thuê luật sư, tiến hành hòa giải, tham gia các phiên tòa, các hoạt động khác có liên quan…
Tiến sỹ Nguyễn Anh Phong đề xuất tại Điều 236 “giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai”, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định vai trò của Tòa án trong việc xác định lại giá đất tính bồi thường. Khi yêu cầu xem xét lại giá đất, Tòa án được phép hủy bỏ giá đất trong quyết định hành chính cụ thể nếu có căn cứ cho rằng giá đất đó chưa phù hợp thị trường, vi phạm quy định về thẩm định giá đất. Tòa án sẽ xem xét lại giá đất đã được quyết định, trường hợp cần thiết Tòa án được quyền tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá.