Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên
Ngày 18/8/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 117-QĐ/TW (Quy định số 117) về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Quy định gồm 4 chương; quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức đảng bị kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập về tổ chức).
Đảng viên bị kỷ luật oan (bao gồm cả đảng viên không còn sinh hoạt đảng, đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, toà án tuyên bố mất tích).
Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng giải quyết khiếu nại kỷ luật).
Tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan (cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền giải quyết đối với quyết định của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan).
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Điều 2 trong Quy định, kỷ luật oan là việc tổ chức đảng, đảng viên không vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận có vi phạm và thi hành kỷ luật.
Xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là việc tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là việc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền phục hồi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức đảng, đảng viên.
Điều 3 quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan trên nguyên tắc: Thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
Chỉ thực hiện xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan một lần khi có kết luận hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền xác định kỷ luật oan.
Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan phải chủ động, kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; phối hợp với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên; quyết định bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan.
Trường hợp tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng tiếp nhận hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, toà án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên. Khi toà án huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bố mất tích thì tổ chức đảng kỷ luật oan xem xét phục hồi quyền lợi cho đảng viên theo quy định.
Việc bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Công ty Việt Á được "tiếp tay" để chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước, thu lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số này, 6 người bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.
Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ". Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị về tội "Đưa hối lộ".
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Trịnh bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị can khác bị đề nghị truy tố gồm nhiều vụ trưởng, vụ phó cấp bộ; cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố.
Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được Phan Quốc Việt nâng khống như nêu trên, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can, gồm: Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 100.000 USD.
Giám sát toàn bộ quá trình đấu giá biển số xe ô tô
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, để các buổi đấu giá biển số xe ô tô qua Hệ thống quản lý đấu giá biển số ô tô diễn ra khách quan, minh bạch, Cục và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ cử cán bộ theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình và kết quả đấu giá.
Phòng quản lý, giám sát đấu giá biển số ô tô được đặt tại trụ sở Cục Cảnh sát giao thông. Tại phòng này, các cán bộ làm nhiệm vụ giám sát sẽ theo dõi được toàn bộ diễn biến các cuộc đấu giá. Mọi diễn biến của cuộc đấu giá đều được thể hiện trên màn hình điều hành, bao gồm số kế hoạch, tên phiên, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc cuộc đấu giá, số lượng biển số đấu giá, lãnh đạo phụ trách phiên đấu giá và đấu giá viên, số lượng khách hàng tham gia, diễn biến quá trình đấu giá...
Mỗi khách hàng có mã số riêng và thông tin của khách hàng được bảo mật tuyệt đối. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường các giám sát viên sẽ yêu cầu dừng đấu giá.
Khách hàng có thể đăng ký tham gia đăng ký biển số xe theo ý muốn trước 3 ngày diễn ra cuộc đấu giá biển số đó. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải tích vào biên bản trúng đấu giá, theo dõi thư điện tử để nhận thông báo. Khi người trúng đấu giá hoàn tất nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá kèm theo mã đăng ký biển số xe.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số xe ô tô được lựa chọn đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá tại Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chủ xe có trụ sở, cư trú hoặc tại Phòng Cảnh sát giao thông quản lý biển số xe trúng đấu giá đó.
Đề nghị truy tố hai Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf vụ đánh bạc trong khách sạn
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận vụ án nhóm golfer đánh bạc tại Vĩnh Phúc. Tổng cộng 37 bị can bị truy tố về các tội danh Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.
Phần lớn các bị can đều là doanh nhân, gồm hai Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf là Lê Hùng Nam (sinh năm 1974, ở Hà Nội) và Trần Thanh Tú (sinh năm 1969, ở Thành phố Hồ Chí Minh).
Các bị can khác có ông Thái Tấn Dũng (sinh năm 19), từng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vải lụa; Ông Đặng Đình Hậu (sinh năm 1973), cựu thành viên Hội đồng quản trị VGS Group; Nguyễn Công Đức (sinh năm 1987), doanh nhân về công nghệ thông tin; Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1973), doanh nhân tại Hà Nội…
Theo kết luận điều tra, một số golfer ở Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đánh bạc hình thức Poker tại văn phòng của bị can Nguyễn Quang Nhân (đang bỏ trốn) tại số 42/2, Nguyễn Văn Trỗi (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tháng 3/2023, Hiệp hội Golf Việt Nam dự kiến tổ chức giải VGA Union Cup 2023 đối kháng đồng đội giữa Đội tuyển golf miền Bắc với Đội tuyển golf miền Nam tại sân Đầm Vạc (Vĩnh Phúc). Lợi dụng tham gia giải golf này, Trần Anh Linh (Đội phó Đội tuyển golf miền Nam) đã rủ nhiều người thuộc Đội tuyển golf của hai miền tập trung tại Vĩnh Phúc trước ngày giải bắt đầu để nhóm golfer đánh bạc dưới hình thức chơi Poker.
Đêm 20/3, tổ công tác của Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra phát hiện bắt quả tang 18 golfer đánh bạc tại khách sạn. Công an thu giữ tại hiện trường hơn 4,6 triệu điểm phỉnh, tương đương hơn 4,6 tỉ của các golfer đánh bạc, 4 bộ bài tây, hai tờ giấy ghi lại số phỉnh mà các con bạc đã mua để đánh bạc và một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan.