Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau đó, các cơ quan hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có hơn 11,6 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính đất đai, giá đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chế độ sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng cho biết, với tinh thần “từ sớm, từ xa”, sáng 6/4, Thường trực Chính phủ đã thống nhất một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục hoàn thiện.
Phó Thủ tướng đã nêu các nội dung lớn được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Sở hữu đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính đất đai, giá đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất…
Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội. Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng khẳng định, sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…).
Về chế độ sử dụng các loại đất, ý kiến đóng góp tập trung vào thời hạn sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung cho công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo… Ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa đất công do Nhà nước quản lý, trong đó có đất an ninh quốc phòng để có chế độ quản lý đất công đặc thù.
Phó Thủ tướng cũng nêu nội dung cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến phân loại đất, tiếp cận đất của người Việt Nam định cư nước ngoài, thời điểm xác định định giá đất, điều khoản áp dụng pháp luật…
Xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất
Góp ý về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Đó là đến năm 2045, đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ. Để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế.
"Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi" - đại biểu nhấn mạnh và kiến nghị cần phải xác định rõ quy mô sử dụng đất của các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ.
Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên nên để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này.
Đại biểu cũng nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ cơ sở để xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng tầm nhìn trong sử dụng đất thì còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến chủ quan, không có cơ sở chặt chẽ. Đại biểu cũng cho rằng, tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch cấp tỉnh phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là về đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất xây dựng cơ sở hạ tầng…