Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, sự phối hợp giữa các cấp chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ. Sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp, các ngành; chế độ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng. Đúng như đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đã ví công tác quản lý như “thả gà ra để đuổi”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
“Để giám sát tốt môi trường của một dự án, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đại biểu rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trong đó cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ. Chỉ trong trường hợp đó chúng ta mới đủ khả năng để giám sát hiệu quả dự án. Nếu xảy ra sự cố, sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước hết, Bộ sẽ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và trình Chính phủ trên cơ sở xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ; đồng thời có kiến nghị đối với toàn ngành.
Thứ 2, làm rõ, quy định, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo một người được giao một việc, không bỏ trống và không chồng chéo. Thể chế hóa về trách nhiệm tổ chức, cá nhân, đặc biệt cả hội đồng tư vấn trong đánh giá tác động môi trường hoặc vấn đề cấp phép, giám sát của các dự án.
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án tăng cường năng lực bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, sau khi được phê duyệt sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện.
Bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu Giải trình về vấn đề đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, công cụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là quy trình thực hiện đánh giá tác động môi trường chưa thật sự chặt chẽ.
Trong quá trình lập báo cáo đầu tư, cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường chưa nắm được thiết kế chi tiết, thiết kế xây dựng và thi công dự án, do đó báo cáo đánh giá chưa khả thi. Năng lực các tổ chức tư vấn đánh giá tác động môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt với dự án có quy mô lớn. Năng lực hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định do đó có nơi có lúc việc thẩm định đánh giá đánh giá tác động môi trường còn lỏng lẻo.
“Công tác giám sát thực hiện đánh giá tác động môi trường còn yếu cả trong khâu trình lập, phê duyệt, xây dựng vận hành thủy điện và chấm dứt hoạt động. Một số đại biểu phản ánh có hiện tượng tiêu cực trong thẩm định đánh giá tác động môi trường cũng như cấp phép xử lý chất thải. Bộ sẽ kiểm tra và xử lý nếu có sai phạm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước tiên phải rà soát luật có liên quan đến đánh giá tác động môi trường, bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên đánh giá tác động môi trường.
Tiến hành đánh giá đánh giá tác động môi trường hai bước đối với các dự án có quy mô lớn và phức tạp. Tăng cường tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền nhân dân địa phương, hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp; lắng nghe có cơ chế tiếp thu đầy đủ ý kiến.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, quá trình thực hiện bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu phải nhận diện được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đề xuất được mức độ giám sát sau khi phê duyệt. Trong trường hợp tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định trong nước không đáp ứng được yêu cầu của các dự án lớn, phức tạp sẽ tính đến việc sử dụng các tổ chức tư vấn và chuyên gia nước ngoài trình độ cao tham gia vào quá trình đánh giá cũng như giám sát. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các cơ chế giám sát đánh giá tác động môi trường bởi các tổ chức khoa học trong và ngoài nước.