Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Lạng Sơn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã báo cáo tóm tắt tình hình phân bổ giải ngân, các giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong 7 tháng năm 2022; kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 1.
Theo đó, từ ngày 25-27/7, một số tổ công tác đã họp, kiểm tra trực tiếp tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Quá trình làm việc, các tổ công tác đã xác định rõ vướng mắc, khó khăn dẫn đến chậm giải ngân, trong đó, các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công còn chồng chéo, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn, công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất.
Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 90% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022. Tuy nhiên, ước tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; đặc biệt có 11 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Về tình hình phân bổ, giải ngân của 7 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 1, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao của các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là hơn 24 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, còn Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được giao với tổng số vốn hơn 952 tỷ đồng; trong đó, Tòa án nhân dân tối cao là 7,7 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch và Bộ Tư pháp 564,725 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về cơ bản, sau khi Tổ công tác số 1 làm việc, tiến độ giải ngân của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có chuyển biến rõ rệt. Tại thời điểm tháng 5 năm 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã kiểm tra 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương.
Đến nay đã có 2/9 bộ, cơ quan trung ương (Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ) và 3/5 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế) đến ngày 30/6/2022 giải ngân đạt mức cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, trong số 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương, vẫn còn 7/9 bộ, cơ quan và 2/5 địa phương thuộc đối tượng kiểm tra có tiến độ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đã nêu một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2022.
Theo đó, các đại biểu cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, các quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; có sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù, bao gồm cả diện tích theo cơ chế thỏa thuận, dẫn tới sự so sánh của người dân, khiếu nại, khiếu kiện...
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi. Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai, minh bạch, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng..., dẫn đến việc nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng.
Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu quyết liệt. Năng lực của Ban Quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn yếu kém, phụ thuộc vào tư vấn; phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn thiếu chặt chẽ, chất lượng trả lời của một số bộ, ngành quản lý lĩnh vực còn chung, chưa đi sâu cụ thể vào kiến nghị của địa phương…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công; vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số kiến nghị của đại diện các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 1.
Nhấn mạnh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đúng tiến độ sẽ đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, từ nay đến cuối năm, các đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Theo đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đẩy nhanh hơn nữa việc phân cấp cho các địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt các dự án nhóm A, B trên địa bàn.
Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường có phương án tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, kiểm soát tình trạng biến động giá các loại vật liệu xây dựng. Cùng với đó, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý dự án của đội ngũ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Đối với việc điều chuyển vốn hoặc trả lại vốn kế hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần rà soát lại khả năng thực hiện để nguồn vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả. Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu rà soát lại nguồn vốn ODA được phân bổ cho từng địa phương nhằm tính đến hiệu quả sử dụng...