Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã hoàn thành chương trình làm việc và bế mạc chiều 9/12.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Kỳ họp đã thảo luận, nghiên cứu 74 báo cáo, 36 tờ trình của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các ban, ngành; thông qua 31 nghị quyết với sự đồng thuận và tán thành cao. 

Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu GRDP đạt 53.406 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,46% so với ước thực hiện năm 2020. GRDP đầu người (theo giá hiện hành) đạt 48,07 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.800 tỷ đồng, chiếm 32,% tổng GRDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu 650 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 85.600 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5 - 2%. Tỉnh có 1.350 doanh nghiệp và 40 hợp tác xã thành lập mới…

Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê nhấn mạnh: 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thời cơ và vận hội mới. Do đó, UBND, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, tỉnh giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng; tiếp tục quan tâm ủng hộ, chia sẻ, chung tay giúp đỡ đồng bào tại các vùng bị ảnh hưởng bão, lũ khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tỉnh đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Qua đánh giá, năm 2020, tỉnh có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu đạt kết quả nổi bật, như: Huy động vốn đầu tư toàn xã hội được 42.141 tỷ đồng, đạt 100,34%  kế hoạch, tăng 24,95%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 83.500 tỷ đồng, đạt 101,03% kế hoạch, tăng 11,26%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.625 tỷ đồng, đạt 101,71% kế hoạch, tăng 16,51%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,36%, đạt 100% kế hoạch; 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương ứng 40,1%, đạt 100% kế hoạch.

Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút đầu tư được 25 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 20.500 tỷ đồng. Nhiều dự án mới đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Dự án trang trại Phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), công suất 28,8 MW và tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp có công suất 600 MW, tổng mức đầu tư 15.042 tỷ đồng; Trung tâm thương mại Big C, vốn đầu tư 290 tỷ đồng.

2/18 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch song chỉ số thành phần đạt thấp là chỉ tiêu số 5 (tổng kim ngạch xuất khẩu thấp đạt 600/650 triệu USD) và chỉ tiêu số 14 (tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường thấp hơn kế hoạch đề ra). 2/18 chỉ tiêu tỉnh Đắk Lắk không đạt kế hoạch đề ra, gồm tổng sản phẩm xã hội thực hiện được 61.800, tỷ đồng, bằng 98,88% kế hoạch và tăng trưởng kinh tế đạt 9,86% (kế hoạch tăng trưởng kinh tế 11,11% so với năm 2019); Tổng sản phẩm xã hội - GRDP bình quân đầu người được 53,98 triệu đồng, đạt 98,95% kế hoạch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tại phiên thảo luận, đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk năm 2021, các đại biểu đề xuất một số giải pháp như: Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu công nghệ cao, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện hiệu quả công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh; chú trọng giải quyết căn bản tranh chấp đất đai, mức khoán tại các công ty nông/lâm nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là cần có định hướng cho người dân trong phát triển cây trồng, tránh tình trạng tăng diện tích ồ ạt ảnh hưởng đến đầu ra, chất lượng, giá cả. Trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

HĐND tỉnh Hà Giang: Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Chú thích ảnh
Đoàn chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Sau ba ngày làm việc, chiều 9/12, kỳ họp lần thứ 16 HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 bế mạc.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng vào các nội dung kỳ họp. Kỳ họp đã biểu quyết thông qua 25 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết phê duyệt tổng biên chế công chức và hợp đồng lao động theo Nghị định của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Hà Giang năm 2021; Nghị quyết về việc thành lập Sở Nội vụ; Nghị quyết về việc thành lập Thanh tra tỉnh; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều Nghị quyết quan trọng khác.

Kỳ họp ghi nhận sự thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành trong việc chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: Nguyên nhân một số dự án tại các khu, cụm công nghiệp ngừng hoạt động; hiệu quả đầu tư Khu Công nghiệp Bình Vàng; đánh giá hiệu quả Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh; tính khả thi và giải pháp trong thời gian tới; chất lượng một số công trình cầu, đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn còn liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là ngành mầm non, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Bắc Quang gây ô nhiễm môi trường; tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Giang…

HĐND tỉnh Hà Giang đã xem xét báo cáo công tác của các ngành khối Tư pháp và các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí; qua đó, chỉ ra những mặt được, chưa được và yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục tồn tại, hạn chế thời gian tới.

Ngoài ra, HĐND tỉnh đã thực hiện công tác nhân sự đúng quy trình, đạt yêu cầu; đã bầu bổ sung ông Hoàng Gia Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 với 100% số phiếu.

Chú thích ảnh
Các đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang biểu quyết thông qua dự thảo các Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, HĐND tỉnh Hà Giang đề nghị UBND tỉnh Hà Giang và các cấp, ngành cần tập trung huy động các nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược: xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang cần nâng cao chất lượng giám sát, tiếp xúc cử tri; tăng cường giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.

Hoài Thu - Minh Tâm (TTXVN)
Bế mạc Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV

Chiều 9/12, Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã bế mạc sau ba ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ với tinh thần trách nhiệm cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN