Thưa ông, thời gian qua rất nhiều vụ việc nổi cộm chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận Thanh tra Chính phủ. Đơn thư của công dân thì cứ chuyển hết Ban Dân nguyện lại quay về Ủy ban MTTQ. Vậy theo ông có nên giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri?
Có thể nói trong thời gian vừa qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất coi trọng.
Chúng tôi rất quan tâm đến những vụ việc kéo dài, dai dẳng, những vụ việc nhân dân bức xúc. Qua theo dõi, có thể thấy những vụ việc kiến nại đã xảy ra từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Người dân vẫn không đồng tình với cách giải quyết của các cấp chính quyền.
Chính vì vậy, trong chương trình giám sát hàng năm, nhất là năm 2023 - 2024 chúng tôi tập trung trọng điểm vào giám sát các vụ việc phức tạp, kéo dài và giám sát trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp, kể cả lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan đến việc giải quyết các vụ viêc đó. Tất cả nhằm giải quyết thấu đáo, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật và xem xét lại cả những yếu tố mang tính lịch sử để làm sao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thưa ông vậy còn những đơn thư, kiến nghị của cử tri và công dân từ cơ sở gửi lên cơ quan Trung ương, sau đó cơ quan Trung ương lại giao cho tỉnh, rồi tỉnh lại chuyển về cơ sở xử lý. Trong câu chuyện lòng vòng này, việc giám sát trách nhiệm của những người đứng đầu trực tiếp sẽ như thế nào? Có cách nào để giải quyết được dứt điểm được tình trạng này?
Đây là một trong những nội dung mà chúng tôi đã nêu trong báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn 5 năm và đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước.
Đây là một trong những vấn đề đặt ra cho thấy tình trạng chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo; vẫn còn tình trạng cấp trên nhận đơn sau lại chuyển xuống cấp dưới, sau đó cấp dưới lại chuyển ngược trở lại cho các cơ quan khác, ban đi ban lại. Từ đó dẫn đến chuyện, một vụ việc nhưng không xác định được cơ quan giải quyết một cách thấu đáo.
Chúng tôi sẽ tập trung để xác định rõ trách nhiệm đối với những người đứng đầu các địa phương, các bộ, ngành không giải quyết đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật; sẽ có kiến nghị để có biện pháp xem xét lại trách nhiệm của họ đối với nhân dân, với công việc được phân công.
Sắp tới sẽ có Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là một trong những căn cứ để các đại biểu Quốc hội xem xét, để có thể đặt lá phiếu của mình đúng và trúng những người làm tốt, có trách nhiệm cao, làm tốt nhiệm vụ nhằm có đánh giá đúng cán bộ thuộc diện Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Video đại biểu Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội:
Thế còn vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội do dân cử, dân bầu ra thì sẽ như thế nào thưa ông? Việc bám sát vụ việc sẽ như thế nào hay chỉ làm nhiệm vụ kính chuyển đơn cho các cơ quan liên quan là xong?
Có thể nói trong thời gian vừa qua các đại biểu dân cử, nhất là đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không chỉ dừng lại ở việc kính chuyển mà chúng tôi đi sát, theo dõi, đôn đốc, giám sát trực tiếp đã có những kiến nghị cụ thể; chỉ rõ địa chỉ và chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân người có thẩm quyền chứ không dừng lại kính chuyển.
Có thể nói chất lượng của công tác giám sát ngày càng được nâng lên và đem lại lợi ích rất lớn. Nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách thấu đáo và người dân đồng tình.
Cái này có thể nói rất quan trọng và chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc giám sát hơn, làm tốt hơn công việc của mình với vai trò của đại biểu dân cử.