Đây là bộ sách có thân phận đặc biệt, khi thể hiện sự kết hợp trong ý tưởng của bốn người: Một nhà nho - nhà thơ Việt Nam (Nguyễn Đình Chiểu), một giảng viên biên dịch người Pháp (Abel des Michels), một sỹ quan hải quân uyên bác (Eugene Gibert) và một nghệ sỹ của Triều đình Huế ( Lê Đức Trạch). Theo đó, người thứ nhất sáng truyện thơ Lục Vân Tiên vào những năm 1850. Truyện này sau đó được người dân miền Nam rất yêu thích và được người thứ hai dịch sang tiếng Pháp ở Paris vào đầu năm 1880. Người thứ ba khi đọc truyện thơ đã say mê ngay nên đề nghị người thứ tư, khi họ gặp nhau ở Huế vào năm 1895, vẽ tranh minh họa cho tác phẩm.
Bộ sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện sắp được ra mắt độc giả cả nước với bản truyện thơ có kèm tranh minh họa. |
Nhận xét về bản thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, nói: "Tôi nhớ mãi ngày 30/9/2011, tôi và vợ vào thăm thư viện của Viện Pháp tại Paris cùng một số đồng nghiệp Pháp, tại đây tôi đã được thấy cuốn truyện Lục Vân Tiên do một người Việt Nam tên Lê Đức Trạch minh họa và do một sỹ quan người Pháp - đại úy Gibert tổ chức bản thảo, trao tặng cho Viện hàn lâm văn khắc và văn chương từ ngày 25/5/1899. Cuốn sách này đã nằm im trong thư viện từ đó đến nay đã 112 năm. Tôi đã phát biểu vắn tắt với các đồng nghiệp Pháp về giá trị của bản thảo, truyện Lục Vân Tiên và hy vọng các học giả Pháp sớm tổ chức nghiên cứu và công bố nó".
Truyện Lục Vân Tiên được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sáng tác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Ông đã bị mù hai mắt khi 27 tuổi, phải vừa dạy học vừa làm thuốc để kiếm sống và sáng tác. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện Lục Vân Tiên trong khoảng thời gian từ sau năm 1851 cho đến trước 1859. Tác giả không thể chép lại tác phẩm của mình mà chỉ đọc cho học trò và bạn bè, bà con rồi truyền tụng trong cộng đồng và một số người ưa chuộng đã chép lại, mỗi người chép một đoạn theo sở thích và không tránh khỏi sự thêm bớt chỉnh sửa của mình.
Bộ sách có phần thơ và tranh minh họa màu sẽ cho độc giả nhiều cảm nhận sâu sắc về giá trị văn học của truyện thơ Lục Vân Tiên. |
Truyện Lục Vân Tiên được truyền miệng gần như văn học dân gian. Bản chữ Nôm đầu tiên do Duy Minh Thị thu thập, đính chính và khắc in tại Bảo Hoa Các tàng bản ở Nam Hải (Quảng Đông, Trung quốc) khoảng năm 1864 và năm 1865 in lại ở Chợ Lớn. Bản phiên âm chữ Quốc ngữ đầu tiên của Gustave Janneau in tại Sài Gòn năm 1867. Năm 1883 Abel des Michels cho xuất bản Lục Vân Tiên ca diễn bằng ba thứ tiếng: Chữ Nôm, phiêm âm quốc ngữ và bản dịch tiếng Pháp. Một năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu mất, năm 1889 Trương Vĩnh Ký đã thu thập, tham khảo các bản và chỉnh lý công phu, cho xuất bản tại Sài Gòn, Lục Vân Tiên truyện được coi là văn bản chữ quốc ngữ. Sau này, Truyện Lục Vân Tiên, bản chữ Nôm, quốc ngữ được xuất bản nhiều lần ở trong Nam và ngoài Bắc.
Đại diện nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, cho biết bộ sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện này có 2 tập, với 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh). Theo đó, trong tập 1 là những trang sách của truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên kèm theo những tranh minh họa với nhiều màu sắc. Ở tập này bạn đọc sẽ được tiếp cận được toàn tập bản thảo do ông Gibert tổ chức. Trong tập hai, độc giả sẽ được hiểu rõ hơn về quá trình tìm ra bản thảo bằng tranh truyện thơ Lục Vân Tiên, thông qua những bài bình, lời chú giải, giải thích những câu thơ trong bản thảo truyện Lục Vân Tiên năm xưa.
Được biết, bộ sách Lục Vân Tiên kèm tranh minh họa nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến ra mắt độc giả cả nước vào ngày 30/5 tại TP Hồ Chí Minh và ngày 1/6 tại Hà Nội. Với số lượng xuất bản 1.500 cuốn.