Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình, làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội.
Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Bộ luật tố tụng hình sự là về: Quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”; về thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng, các đại biểu cho rằng, hiện Bộ Công an đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an là phù hợp và cần thiết. Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Theo đại biểu Đoàn Lê Thị An (Cao Bằng), về mặt thực tiễn, lực lượng Công an xã chính quy mới được thiết lập, đối với các tỉnh miền núi như Cao Bằng, cơ bản mỗi xã được bố trí 5 Công an xã. Tuy nhiên, lực lượng này thực hiện rất nhiều công việc ở cấp xã, trực tiếp tiếp xúc với nhân dân; có những trường hợp địa bàn rộng, giao thông còn khó khăn, nhiều xã đi đến thôn, xóm mất 2 - 3 giờ. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an đưa về xã có nghiệp vụ, chuyên môn khác nhau, có người thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau. Do đó, việc giao thêm quyền hạn, nhiệm vụ mới cần đánh giá thêm về năng lực, nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi.
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, với chủ trương của Bộ Công an, lực lượng Công an chính quy đã được tăng cường về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục triển khai.
Trước băn khoăn của các đại biểu về năng lực, trình độ và cơ sở vật chất, trang bị cho Công an xã, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm, Viện Kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ của Công an xã như đối với Công an phường, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tán thành việc sửa đổi toàn diện luật sau 20 năm thực thi, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi cần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bình đẳng, bền vững hơn. Theo đó, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về chống độc quyền; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi Luật phù hợp xu hướng điện tử, số hóa...
Chiều 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho rằng, cần thống nhất việc rà soát, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê. Theo đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đối với cả nước, đối với vùng.
Đối với chỉ tiêu về bình đẳng giới, dự thảo Luật đưa ra các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân… Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, các chỉ tiêu này mới chỉ phản ánh bình đẳng giới về vấn đề chính trị, chưa có các chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến những lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như giáo dục, việc làm, lao động, y tế… Do vậy, cần bổ sung, cập nhật các chỉ tiêu đầy đủ, phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; đồng thời hài hòa với các thông lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.
Cùng quan điểm cho rằng chỉ tiêu bình đẳng giới chưa đầy đủ và toàn diện, các đại biểu: Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế), Ma Thị Nống (Thanh Hóa)… đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu nữ lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.
Cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, giải trình, làm rõ một số vấn đề được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ và cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến xác đáng của các đại biểu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự án Luật này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu thống kê quốc gia dựa trên 5 nguyên tắc: Phải là chỉ tiêu ở tầm quốc gia; sự cần thiết và tính cấp bách dựa trên nhu cầu thực tiễn; tính khả thi trong việc thu thập, biên soạn; nguồn lực (ngân sách, nhân lực, thời gian); thông lệ quốc tế và tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam.