Tính toán quỹ đất dành cho giao thông
Các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Quan tâm đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phải tính toán quỹ đất dành cho giao thông.
Theo đại biểu, hiện nay, các tỉnh, thành phố đều có quỹ đất hạn hẹp, trong khi nhu cầu giao thông đường bộ rất lớn. Những hệ thống giao thông khác như đường sắt đô thị, đường sắt liên vận… để thay thế và phụ trợ hạn chế. Vì thế, phải có sự quy hoạch tổng thể và người đứng đầu phải có tầm nhìn. “Quỹ đất dành cho giao thông phải có. Nếu không, cứ làm đường xong, nhà ở, dịch vụ phát triển dẫn đến nhu cầu quá lớn; từ đó tình trạng ùn tắc, kẹt xe vẫn xảy ra”, đại biểu chỉ rõ.
Một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, là do tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quá thấp, kể cả các đô thị xây dựng sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (từ 16% đến 26%). Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phù hợp với từng loại đô thị khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung bắt buộc đánh giá tác động giao thông, có biện pháp để bảo đảm các công trình đầu tư có phát sinh nhu cầu giao thông phù hợp với năng lực đáp ứng và kết cấu của hạ tầng giao thông. “Những khu đô thị, tòa nhà cao tầng, khi được cấp phép phải đánh giá về an toàn giao thông. Khu dân cư nếu có trên 250 hộ dân, phải đánh giá tác động của an toàn giao thông”, đại biểu phân tích.
Theo đại biểu, đây là việc quan trọng và Chính phủ nên có quy định chi tiết để giảm ùn tắc giao thông. Đại biểu nêu quan điểm, nên chăng, những chủ thể gây ra ùn tắc giao thông phải đóng phí cho thành phố để giải quyết vấn đề này? Hiện luật chưa có quy định, song, đây là câu chuyện thực tiễn, cần xem xét trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, cần có định hướng để thị trường vận tải phát triển ổn định, rõ ràng, cạnh tranh lành mạnh. Bởi, có thời kỳ cơ quan chức năng siết các tuyến cố định, nhưng lại buông lỏng đối với một số loại xe khác như xe limousine, xe công nghệ..., gây lộn xộn cho thị trường vận tải. Đại biểu đề nghị, hoạt động vận tải cần đưa vào quy hoạch, quản lý chặt chẽ.
Băn khoăn việc chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thực tế cho thấy, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để ban hành luật riêng và cho rằng, nếu tách ra sẽ không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, dễ dẫn tới chồng chéo.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, phần kết cấu hạ tầng giao thông là phần tĩnh, còn trật tự an toàn giao thông (gồm người điều khiển phương tiện) là phần động. Như vậy, dự kiến tách ra làm hai luật để phần tĩnh giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý, còn phần động chuyển cho Bộ Công an. Băn khoăn với lập luận này của Chính phủ, đại biểu Đặng Thuần Phong chỉ rõ, tĩnh và động là hai mặt của vấn đề, có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách kiểu cơ học như vậy. Đại biểu băn khoăn, nếu tách riêng đường bộ, các lĩnh vực khác như đường thủy, đường hàng không… có thành lập các luật riêng không?
Theo đại biểu, giao thông đường bộ có 4 thành tố cấu thành gồm: Kết cấu hạ tầng; phương tiện giao thông; người điều khiển, người tham gia giao thông; quy tắc về giao thông đường bộ. Nếu tách riêng phần động đưa vào dự thảo Luật này sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu trên; từ đó không đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn. Đại biểu đề nghị, ban soạn thảo đánh giá kỹ tác động, cân nhắc sâu sắc vấn đề này.
Đại biểu Đặng Thuần Phong nhận định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông có nghĩa là làm sao để không có tai nạn xảy ra, không có tình trạng xe siêu trường, siêu trọng ảnh hưởng đến đường sá… Đây là mục đích xã hội hướng đến chứ không phải đối tượng điều chỉnh.
Ngoài ra, việc đánh giá tác động dự án Luật này còn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ các khía cạnh của chính sách, các phương án lựa chọn… Vì thế, cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý, bổ sung, làm rõ sự khác biệt, đổi mới của các phương án thay thế cho các quy định hiện hành; đánh giá dựa trên số liệu như việc giảm tai nạn giao thông góp phần giảm thiệt hại về kinh tế - xã hội bao nhiêu…
Liên quan đến vấn đề chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, đại biểu cho rằng, đây là chính sách lớn, cần đánh giá tác động kỹ trong hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. “Việc chuyển đổi này có xử lý được tình trạng giấy phép lái xe giả, chất lượng đào tạo chưa cao… hay không? Về biên chế, hiện nay có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với khoảng 2.000 cán bộ công chức. Số này có chuyển sang lực lượng Công an không hay tự giải tán?”, đại biểu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, qua giám sát, cử tri băn khoăn việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện; nếu giao lại cho Bộ Công an có đảm bảo tính khả thi hay không? Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện; vì thế giao việc này cho Bộ Giao thông Vận tải là phù hợp.