Cân nhắc quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là "đề nghị cho phép quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới".
Cụ thể, một số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi, bổ sung, quy định để làm rõ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm có kiểm soát phải chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính trong trường hợp gây thiệt hại; đồng thời cân nhắc, bổ sung, quy định đối với trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.
Một số đại biểu đề nghị không quy định việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong dự thảo Nghị quyết hoặc cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm dân sự theo hướng quy định theo Điều 23 của Luật Khoa học công nghệ về miễn thiệt hại đối với Nhà nước.
Tuy nhiên, đối với thiệt hại cho công dân, các ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ bồi thường từ ngân sách.
Bên cạnh đó, việc quy định như dự thảo Nghị quyết: “Cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và cán bộ trực tiếp hướng dẫn được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro nhưng không có biện pháp phù hợp ngăn ngừa”; “Tổ chức, cá nhân thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật… trừ trường hợp đã biết về nguy cơ rủi ro..”, một số đại biểu cho rằng khó áp dụng, khó xác định như thế nào là “đã biết”, “chưa biết”, dẫn đến không xử lý được hành vi sai trái.
Đối với vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần có miễn trừ nhưng ở giới hạn mức độ phù hợp nhất định và đúng nguyên tắc.
"Tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu nhưng không thể gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác ngoài Nhà nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị nghiên cứu, quy định về nội dung này.
Thống nhất nên có quy định miễn trừ trách nhiệm để khuyến khích đổi mới sáng tạo, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn, khoanh định phạm vi miễn trừ và đảm bảo chặt chẽ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nếu cho phép có chính sách đặc thù về thử nghiệm có kiểm soát thì phải có điều khoản về miễn trừ trách nhiệm; điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. "Thử nghiệm chứa đựng rủi ro vì là vấn đề mới, không lường trước được, nếu không có miễn trừ thì không ai dám làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Đề nghị tham khảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để quy định đảm bảo chặt chẽ, nhất quán, có thể thực hiện được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở, việc rà soát để quy định cho chặt chẽ theo hướng chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, không miễn trừ trách nhiệm kỷ luật; đồng thời, chỉ miễn trừ đối với thiệt hại đối với Nhà nước còn đối với tổ chức, cá nhân thì phải có sự bồi thường. Thành phố Đà Nẵng có thể hỗ trợ bồi thường theo quy định cụ thể.
Mở rộng phạm vi được hỗ trợ
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành các nội dung về tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Cho ý kiến về chính sách cho phép các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 2 Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng "nên cân nhắc kỹ phạm vi hỗ trợ". Việc hỗ trợ trong phạm vi cả tỉnh có thể bị dàn trải, phân tán; do đó, hỗ trợ tập trung, cụ thể sẽ hiệu quả hơn.
Việc Nghệ An lựa chọn phương án hỗ trợ như Chính phủ trình hoặc hỗ trợ rộng phù hợp hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đều bày tỏ tán thành cao, ủng hộ chính sách các tỉnh, thành phố hỗ trợ Nghệ An phát triển kinh tế-xã hội.
Có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Nghị quyết là bị thu hẹp phạm vi hỗ trợ. Trên thực tế, có trường hợp mong muốn hỗ trợ cho địa bàn cụ thể khác ngoài 2 huyện trên. Vì vậy, các ý kiến đề nghị sửa lại theo hướng, mở rộng phạm vi được hỗ trợ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền sử dụng ngân sách của địa phương hỗ trợ cho địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An, không chỉ 2 huyện trên.
Theo một số đại biểu, việc thu hẹp phạm vi được hỗ trợ của các địa phương khác cho Nghệ An là chưa phù hợp trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn hạn chế. Theo đó, đa số đại biểu đề xuất theo hướng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho các địa bàn cụ thể thuộc tỉnh Nghệ An hoặc hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh, HĐND tỉnh quyết định việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với định hướng tiếp thu, giải trình các vấn đề lớn của 2 dự thảo Nghị quyết theo đề nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Để đảm bảo chất lượng 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng toàn diện các yêu cầu đặt ra khi xây dựng sửa đổi, bổ sung cơ chế cho tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).