Ráo riết phòng chống dịch cúm A/H7N9 - Lên kịch bản phòng chống

Nhằm đối phó với diễn biến rất phức tạp của dịch cúm A/H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc và có nguy cơ lây lan, Bộ Y tế Việt Nam đã kịp thời xây dựng "Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9" và phác đồ điều trị. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam gặp phải thách thức rất lớn trong việc đối phó với căn bệnh này.


Lên kịch bản phòng chống


Ngày 7/4, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 mới, nâng tổng số các ca lây nhiễm loại vi virút này lên 24 ca, trong đó 6 ca tử vong.


Trước tình trạng ngày gia tăng cả về số ca mắc lẫn tử vong do cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam đã khẩn trương xây dựng và ban hành "Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9". Theo đó, có 4 kịch bản phòng, chống dịch được đặt ra gồm: Khi chưa có ca bệnh trên người; Có ca mắc nhưng chưa lây từ người sang người; Phát hiện ca bệnh lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp; Dịch bùng phát ra cộng đồng.

Chợ gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) đã giảm hẳn gà lậu.Ảnh: Thắng Văn


Trong giai đoạn đầu, tức là khi chưa có ca bệnh trên người như hiện nay, ngành y tế đặt mục tiêu hàng đầu là phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để. Trường hợp có ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 thì Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang sẽ là nơi tiếp nhận mẫu để xét nghiệm.


“Hiện nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguồn lây bệnh cúm A/H7N9 từ đâu. Trong số các ca bệnh ở Trung Quốc có một số ca khai báo là tiếp xúc với gia cầm, lợn. Trung Quốc cũng phát hiện chim bồ câu mang chủng virút cúm này nhưng lại không có mối liên quan dịch tễ nào đối với những người bệnh. Vì thế, đang có rất nhiều giả định khác nhau và các chuyên gia cũng lo ngại một đại dịch có thể xảy ra. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết.


Để chủ động trong công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, khi phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên, cần chuyển ngay bệnh nhân về tuyến cao nhất điều trị. Tại miền Bắc, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là cơ sở chính tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.


Trao đổi về công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 của riêng bệnh viện. Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập 2 đội cấp cứu, chống dịch ngoại viện; phân công chế độ trực chuyên môn, trực phòng chống dịch 24/24 giờ”.

Ngăn chặn sự xâm nhập của dịch trên gia cầm

Theo TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Trong giai đoạn hiện nay, nếu không ngăn chặn được sự xâm nhập và lây lan virút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này sang người là rất lớn. Do đó, các sở y tế cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng virút cúm A/H7N9 trên các đàn gia cầm, thủy cầm. Ngoài ra, cũng cần thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu và khu vực biên giới.


Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đã chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly bệnh nhân, phòng áp lực âm để tiếp nhận bệnh nhân khi có dịch xảy ra. Về cơ bản, bệnh viện đã đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân: Dự phòng 3.000 viên Tamiflu, 8.000 khẩu trang phẫu thuật, 250 khẩu trang kháng virút, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục…


Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo: “Dự thảo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh cúm A/H7N9 gần giống như điều trị cúm A/H5N1 nên cơ bản các bệnh viện đã có sự chuẩn bị về giường bệnh, khu vực cách ly, thuốc (Tamiflu), máy thở… Tuy nhiên, rất có thể thuốc men hoặc một số trang thiết bị (được trang bị từ những đợt chống dịch trước) đã hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng. Do đó, các bệnh viện cần sớm rà soát lại các trang thiết bị phục vụ hoạt động phòng, chống dịch để đề nghị Sở Y tế bổ sung kịp thời”.


Dự kiến chiều 9/4, Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, Bộ Y tế sẽ họp và thông qua Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh cúm A/H7N9. Sau đó, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn Hướng dẫn điều trị này cho các cơ sở khám, chữa bệnh.


Phương Liên - Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN