Rau ngoại

Một thời chưa xa những loại trái cây như nho Mỹ, xoài Thái, táo Tàu… còn được xem là hàng xịn, người có thu nhập thấp không dám mơ những của quí hiếm này. Nhưng nay thì từ thành thị đến nông thôn, khắp trong Nam ngoài Bắc, đi đâu cũng thấy trái cây ngoại nhập; và bây giờ là rau ngoại nhập.

Rau ngoại tràn ngập ở chợ.

Lại là những loại rau củ "đặc sản" có giá cao vòi vọi dành cho nhà giàu chăng? Thưa không! Toàn là rau củ bình dân như bắp cải, xà lách, su hào, khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc, và ngon hơn rau củ ta trồng mà giá lại rẻ không ngờ. Vì thế, rau củ quả Trung Quốc đang tràn ngập thị trường, người nông dân ở ngay những vùng rau cũng bỏ nghề và "ăn" rau Trung Quốc. Mới nghe tưởng đâu những loại này chỉ là hàng chợ mua bán hàng ngày giữa người dân vùng biên giới nhưng vô tới TP Hồ Chí Minh, miền Tây Nam bộ cũng thấy rau quả Trung Quốc.

Nhiều người đặt vấn đề rằng, làm cách nào mà mỗi một kg rau củ quả "cõng" phí vận chuyển hàng ngàn km mà giá vẫn rẻ hơn rau sản xuất tại chỗ? Rằng, làm thế nào mà rau xanh "vượt" qua quãng đường dài như thế, lại qua các khâu phân phối lưu thông từ bán buôn tới bán lẻ mất mấy ngày mà rau quả vẫn cứ xanh như vậy? Nhìn lại các loại rau trái của ta rất kỳ công trong vận chuyển mà nhiều lúc không bảo quản được. Chẳng hạn, việc vận chuyển trái cây Nam bộ ra thị trường miền Bắc như măng cụt, vú sữa, xoài cát cũng đều phải có xe chuyên dùng nếu không là chín giữa đường, thối rữa, chưa nói gì đến rau là mặt hàng sáng tươi trưa héo.


Ngay bắp cải Đà Lạt chuyên chở bằng xe ô tô hàng thông thường về TP Hồ Chí Minh, tới chợ là các vựa rau đã phải bóc một vài lớp vỏ héo. Vậy mà bắp cải Trung Quốc vô tận TP Hồ Chí Minh vẫn tươi như mới thu hoạch; và người tiêu dùng vẫn cứ phải thừa nhận rằng, bắp cải Trung Quốc ăn giòn và ngọt hơn nhiều loại bắp cải của ta, giá lại mềm hơn.

Về thương mại, đó là một ưu thế.

Tuy nhiên, rau quả tươi vẫn là mặt hàng khó bảo quản bởi nó chỉ còn giá trị hàng hóa khi còn tươi. Nhưng rau quả tươi lâu trong những điều kiện vận chuyển thông thường là vấn đề rất cần được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ. Trong thời gian gần đây nhiều cơ quan chức năng đưa ra những khuyến cáo với người tiêu dùng rằng, hãy làm "người tiêu dùng thông minh". Tuy nhiên, với những mặt hàng vừa ngon vừa rẻ thì người tiêu dùng nào cũng lựa chọn. Còn "bên trong" mặt hàng đó thế nào thì rất cần sự "thông minh" và kịp thời của các cơ quan chức năng.

Khoai tây Trung Quốc ở chợ đầu mối.

Việc các mặt hàng rau củ quả Trung Quốc đang tràn ngập thị trường trong nước mà các cơ quan có trách nhiệm chưa có những kết quả kiểm tra về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để thông tin đến người tiêu dùng là rất chậm trễ. Những băn khoăn rằng, đằng sau những lô hàng rau củ ngoại nhập kia liệu có những chất độc hại gì làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng hay không, vẫn bị tạm thời "quên" đi trước "sức hút" ngon và rẻ.

Các ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan thuộc hệ thống quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm cần có những thông tin kịp thời và chính xác để khuyến cáo người tiêu dùng không phải trả giá đắt cho rau củ quả "ngon và rẻ".

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN